HỘI NGHỊ ĐÁNH GIÁ NHU CẦU THỊ TRƯỜNG CHÈ SHAN TUYẾT CỦA HỢP TÁC XÃ SƠN TRÀ – TUYÊN QUANG THAM GIA XÂY DỰNG MÔ HÌNH HỢP TÁC XÃ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT GẮN VỚI CHUỖI GIÁ TRỊ

 

Ngày 13-9, tại UBND huyện Na Hang,  Viện Phát triển kinh tế hợp tác đã phối hợp với  Liên minh Hợp tác tỉnh Tuyên Quang và Hợp tác xã Sơn Trà tổ chức Hội nghị: “ Đánh giá tiềm năng phát triển và tiêu thụ bền vững sản phẩm chè Shan Tuyết”. Dự hội nghị có lãnh đạo Viện Phát triển kinh tế hợp tác, Sở Nông nghiệp và PTNT, một số doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất chè Shan Tuyết trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 1.400 ha chè Shan Tuyết, được trồng nhiều tại 2 huyện Lâm Bình và Na Hang. Theo Dự án trồng rừng bằng chè Shan Tuyết trong chương trình 327 và 661. Toàn tỉnh hiện có 5 doanh nghiệp chế biến chè Shan Tuyết, công suất 2-10 tấn chè búp tươi/ngày cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Các đơn vị này cũng đã đưa ra nhiều triển  vọng cho thị trường chè Shan Tuyết trong những năm tới. Đặc biệt là chè Shan Tuyết của  Hợp tác xã Sơn Trà rất được thị trường yêu thích.

Tại hội nghị, đại diện các đơn vị đã thảo luận, bàn giải pháp phát triển bền vững cây chè Shan Tuyết  theo hướng xây dựng mô hình hợp tác xã sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị. Một số vấn đề đã được đưa ra thảo luận: diện tích trồng chè Shan Tuyết chủ yếu tại các xã vùng cao, năng suất không cao; nhận thức của người dân về giá trị cây chè thấp; trang thiết bị, máy móc chế biến chè chưa được đầu tư… Các ngành chức năng đã xây dựng một số giải pháp để phát triển bền vững cây chè Shan Tuyết,  như: rà soát lại toàn bộ diện tích chè Shan tuyết phù hợp để thâm canh, không ảnh hưởng đến quy định quản lý bảo vệ rừng; đối với diện tích chè cổ thụ đang cho thu hoạch, khuyến khích người dân chăm sóc theo hướng hữu cơ; thiết lập hệ thống quản lý chất lượng theo hướng VietGAP và hữu cơ. Trọng tâm trong các giải pháp này là thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp, Hợp tác xã, cơ sở chế biến… vào đầu tư, chế biến chè, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm dài hạn với người trồng chè, nhằm nâng cao giá trị cây chè Shan Tuyết, khai thác hết tiềm năng phát triển vùng chè Shan Tuyết trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Kết thúc hội nghị, lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tuyên Quang đề nghị Hợp tác xã Sơn Trà  cùng  Tổ công tác của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam do Viện Phát triển kinh tế hợp tác chủ trì tiếp thu các ý kiến để đưa vào dự án xây dựng Hợp tác xã Sơn Trà trở thành mô hình “ Hợp tác xã phát triển sản xuất kinh doanh gắn với chuối giá trị nông sản hiệu quả” để tăng thu nhập cho thành viên sản xuất chè Shan Tuyến và là địa chỉ đỏ để tuyên truyền, nhân rộng.

Tin, ảnh: Nguyễn Thị Tuyết -ICED

Tin liên quan