VIỆN PHÁT TRIỂN KINH TẾ TỔ CHỨC HỘI NGHỊ ĐÁNH GIÁ TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN VÀ TIÊU THỤ CÁ BỀN VỮNG TẠI TỈNH LAI CHÂU
Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng Hợp tác xã thanh niên Thẩm Phé, tỉnh Lai Châu phát triển sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương, ngày 15-8-2019, Viện phát triển kinh tế hợp tác phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Lai Châu và Hợp tác xã thanh niên Phẩm Phé tổ chức Hội nghị: “Đánh giá tiềm năng phát triển và tiêu thụ cá bền vững” .
Dự Hội nghị có Đồng Chí Nguyễn Hữu Nga, Phó Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế, đồng Chí Bùi Xuân Thu, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lai Châu, đồng chí Vương Thế Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên, đại diện sơ công thương, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu, đại diện lãnh đạo UBND xã Thẩm Phé, Hội đồng quản trị, ban giám đốc và các thành viên của HTX thanh niên Thẩm Phé và một số HTX, doanh nghiệp tiêu thụ cá trên địa bàn tỉnh Lai Châu và ngoài tỉnh Lai Châu.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, dự báo các loại cá, chất lượng, giá cả và số lượng các loại cá để đáp ứng nhu cầu của thị trường tại tỉnh Lai Châu và ngoài tỉnh trong những năm tới. Đồng thời, các đại biểu đưa ra những giải pháp, kinh nghiệm để vượt qua khó khăn, thách thức trong nuôi cá lồng, thu mua, sơ chế và tiêu thụ trên địa bàn miền núi đị lại khó khăn như huyện Than Uyên tỉnh Lai Châu để Hợp tác xã Thẩm Phé định hướng phát triển sản xuất, gắn với chuỗi giá trị các loại cá nhằm năng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ của hợp tác xã và tăng thu nhập cho thành viên.
Nội dung mà Hội nghị quan tâm nhất là những giải pháp đột phá phát triển chuỗi sản phẩm cá bền vững tại tỉnh Lai Châu. Theo các ý kiến tham luận của đại biểu thì cần quan tâm tới một số giải pháp như: Tăng mức độ thâm canh nuôi chuyên canh cá ao; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá và nhân rộng phát nuôi các loài cá đặc sản như cá Lăng, cá Chiên trong lồng ở những khu vực có nguồn cá tạp dồi dào để cung cấp cho các nhà hàng, thị trường tiêu thụ trong nước, quảng bá tuyên truyền thương hiệu cá sạch bệnh, cá đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát quá trình nuôi, đồng thời hướng dẫn cơ sở nuôi cá lồng theo hướng VietGAP, thực hiện nghiêm ngặt trong các khâu của quy trình từ việc chọn thời vụ thả giống, chọn cơ sở mua giống, lựa chọn thức ăn cho cá vừa đảm bảo hệ số sử dụng thức ăn hiệu quả lại giảm chi phí để tạo ra sản phẩm có giá thành tốt nhất; Liên kết tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị, tìm đầu ra ổn định cho thị trường, muốn vậy sản phẩm tạo ra ổn định về chất lượng, tăng cường công tác chuyển giao, tập huấn kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra việc chấp hành các quy định trong lĩnh vực thủy sản với mục tiêu tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các đại biểu cũng đặc biệt quan tâm tới cơ chế chính sách, các ý kiến cho rằng cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển thực hiện liên kết, gắn với sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Lai Châu đối với các sản phẩm trên nhằm nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh trạnh về giá thành sản phẩm cùng loại. Chính sách hỗ trợ về: đất đai; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng trong hàng rào; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu; hỗ trợ đào tạo lao động; hỗ trợ cước phí vận tải….
Kết thúc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hữu Nga, Phó Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế hợp tác cảm ơn các ý kiến tham luận của các đại biểu và đề nghị nhóm thực hiện dự án và Hợp tác xã thanh niên Thẩm Phé tiếp thu và đưa vào dự án xây dựng Hợp tác xã thanh niên Thẩm Phé phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực cá của địa phương để tiếp tục triển khai các nội dung khác của dự án có kết quả, thiết thực và hiệu quả nhất theo tình thần chỉ đạo của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam./.
Hương Thủy- Trưởng phòng quản lý khoa học