Chi hàng tỷ USD để nhập nông sản!

Là một nước nông nghiệp đông dân với diện tích đất canh tác tính trên đầu người rất thấp nhưng người nông dân Việt Nam lại nơm nớp lo sản xuất ra không biết bán đi đâu. Trong khi đó, hàng năm, Việt Nam chi cả tỷ USD để nhập khẩu những mặt hàng như rau quả, gạo, ngô cho tới thịt các loại cho tiêu dùng hàng ngày.

Chỉ trong bảy tháng đầu năm 2017, giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả đã lên đến 852 triệu USD, tăng hơn hai lần so với cùng kỳ năm 2016, chủ yếu từ Thái Lan (57% thị phần), Trung Quốc (16,8%)…với khoảng 629 triệu USD, tương đương 14.300 tỷ đồng.

Nhập từ rau quả… tới cả gạo

Không riêng rau quả, Việt Nam cũng là nước trồng ngô, đậu tương song hằng năm vẫn phải bỏ ra một số tiền không nhỏ nhập khẩu những nguyên liệu này để chế biến thức ăn chăn nuôi.

Bảy tháng đầu năm nay, riêng giá trị nhập khẩu ngô, đậu tương chiếm gần 1,3 tỷ USD, trong đó nhập khẩu đậu tương là 442 triệu USD, nhập khẩu ngô là 846 triệu USD.

Với mặt hàng thịt, tính tới ngày 15/3/2017, theo Tổng cục Hải quan, cả nước đã nhập khẩu gần 41.000 tấn thịt các loại. Trong đó, nhiều nhất là thịt gà với 20,6 nghìn tấn, chiếm hơn nửa tổng lượng thịt các loại nhập khẩu về Việt Nam, trị giá gần 19 triệu USD. Đứng thứ hai là thịt trâu bò các loại với 11,8 nghìn tấn, chiếm 29%, trị giá 35 triệu USD; thứ ba là thịt lợn với gần 7,8 nghìn tấn thịt lợn các loại, trị giá hơn 9,4 triệu USD.

Với mặt hàng gạo, chuyên trang cơ sở dữ liệu nghiên cứu, phân tích về các ngành kinh tế và kinh doanh Vibiz.vn (công ty Cổ phần Yoilo Toàn cầu), sau khi khảo sát thói quen của người tiêu dùng Việt Nam đã kết luận rằng 53% người tiêu dùng Việt Nam thích ăn gạo ngoại xuất xứ Thái Lan, Campuchia, Nhật Bản… Do vậy, trên thị trường hiện nay không khó để tìm mua gạo Thái Lan, Hàn Quốc hay Nhật Bản.

Đây chỉ là một vài ví dụ về chuyện nhập khẩu nông sản của Việt Nam. Nhưng mối lo này sẽ ngày càng lớn khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do – cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam vì có thị trường lớn. Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ nông sản xuất thô của Việt Nam còn chiếm tỷ lệ cao, chất lượng nông sản không đồng đều, giá thành sản xuất cao, chưa chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nên nông sản Việt sẽ khó cạnh tranh.

Nông sản ngoại theo chân các FTA đổ bộ vào Việt Nam

Do đó, Việt Nam không chỉ mất lợi thế thị trường xuất khẩu đến các nước thành viên mà còn trở thành thị trường tiêu thụ nông sản của các nước thành viên là đối tác.

Theo Ts. Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nhìn một cách tổng thể, nếu so với các nước thành viên mà Việt Nam là đối tác cho thấy nông nghiệp Việt Nam đang rất nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu về trình độ canh tác, năng suất thấp.

“Vậy làm thế nào để cạnh tranh được với các nước có nền nông nghiệp hiện đại quy mô sản xuất lớn như Mỹ, Australia, Canada, New Zealand…”, Ts. Phạm S nêu vấn đề.

Cần “biết mình, biết ta”

Theo Ts. Phạm S, ngành nông nghiệp Việt Nam cần có tầm nhìn mới, cần xác định thị trường tiềm năng của các nước thành viên là đối tác hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, xem họ có lợi thế và hạn chế nào, yêu cầu rào cản kỹ thuật của họ quan tâm tới yếu tố “bất biến” nào. Từ đó, phân tích thị trường mang tính chiến lược tập trung sản xuất nông sản xuất khẩu theo tiêu chuẩn của từng quốc gia.

“Muốn làm được điều này, Việt Nam cần tập trung quản lý chặt chẽ quy hoạch, sản xuất các cây trồng, vật nuôi có lợi thế tiềm năng xuất khẩu cao như tiêu, gạo, cao su, chè, cà phê, điều, tơ tằm, rau, quả, ca cao… Cùng với đó là quản lý nông sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”, Ts. Phạm S nhận định.

Còn theo Ts. Doãn Công Khánh, Viện Nghiên cứu Thương mại, tại Việt Nam hiện nay, ngành nông nghiệp vẫn đang được bảo hộ bằng hạn ngạch, hàng rào thuế quan. Theo thời gian, những chính sách bảo hộ này sẽ được gỡ bỏ theo cam kết của Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do.

Do đó, nếu nông nghiệp không thể cải thiện để nâng cao hiệu quả, những ngành lâu nay vẫn sống được bằng bảo hộ như mía đường, chăn nuôi sẽ gặp thảm họa.

Ông Khánh nêu vấn đề: từ nay đến năm 2020, nếu xác định chiến lược chung của nền kinh tế nước ta là hướng về xuất khẩu thì kinh tế nông thôn, nông nghiệp sẽ xuất cái gì ra thị trường thế giới và khu vực; Việt Nam chủ trương xuất lúa gạo là chủ yếu hay chuyển hướng sang xuất thịt là chủ yếu; Nếu xuất lúa gạo thì chiến lược cạnh tranh với Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ sẽ thế nào; Nếu xuất khẩu thịt là chủ yếu – đương nhiên thị trường nhập khẩu là các nước giàu, có khả năng thanh toán tốt hơn, nhưng đòi hỏi công nghệ chăn nuôi và chế biến khắt khe hơn – liệu có quá khả năng của Việt Nam không?

“Đối với các loại nông sản thực phẩm khác, liệu một số nông sản thực phẩm cao cấp, đặc trưng của vùng nhiệt đới dưới dạng sạch và thân thiện môi trường có thể là hướng chiến lược để lựa chọn được không.

Thị trường này tuy mới nhưng là xu hướng mở rộng nhanh. Thực tiễn tại Việt Nam cho thấy chúng ta có khả năng cả về lao động, địa lý, tự nhiên để sản xuất những mặt hàng này”, ông Khánh gợi mở.

Theo ông Khánh, những định hướng, lựa chọn nêu trên có ảnh hưởng sâu sắc tới toàn bộ hệ thống nông nghiệp, chi phối mạnh mẽ sự lựa chọn chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn trong những thập kỷ tới cũng như chiến lược và kế hoạch kinh doanh của mỗi doanh nghiệp.

Đồng thời, theo các chuyên gia, Việt Nam có rất nhiều ưu thế về nông sản nhiệt đới nhưng chưa phát huy được, cho nên cần phải suy nghĩ để có một cuộc cách mạng, biến nông nghiệp nước ta ngoài việc thỏa mãn nhu cầu trong nước, còn phải là một môi trường chuyên sản xuất những cây nhiệt đới quý hiếm, bán cho cả thế giới với công nghệ sạch, bền vững và nhất là biến nông sản thành các sản phẩm công nghệ sinh học có giá trị cao.

Lê Thúy

Ts. Doãn Công Khánh – Viện Nghiên cứu Thương mại

Áp lực hội nhập bắt buộc chúng ta phải có một nền nông nghiệp hàng hóa, cạnh tranh quốc tế. Cùng với đó, trong thời gian tới, do nhiều nguyên nhân khác nhau, chúng ta sẽ gặp khó khăn lớn khi phải cạnh tranh với các nước trong khu vực. Hàng Việt Nam cũng sẽ vấp phải sức công phá mạnh mẽ của hàng ngoại đổ bộ vào. Các rào cản kỹ thuật được xem như “binh pháp” trong thương mại sẽ tái xuất hiện. Các thị trường truyền thống sẽ trở nên xa vời do yêu cầu cao về chất lượng, mẫu mã.

Ông Berthold Heinemann – Tổng Giám đốc một doanh nghiệp Thụy Sĩ

Bản thân mỗi ngành hàng nông sản của Việt Nam phải đề ra một chiến lược phát triển thương hiệu của mình. Trước mắt, các hiệp hội ngành hàng nông sản của Việt Nam nên tổ chức giới thiệu sản phẩm của ngành hàng mình cho người tiêu dùng ở một số địa phương tại các nước mà hàng Việt Nam xuất khẩu nhằm tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm nông sản mang thương hiệu Việt. Có thương hiệu Việt, hàng nông sản Việt Nam mới có thể có mặt và tham gia được vào chuỗi nông sản thế giới.

Ts. Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng

Khẩn trương hoàn thiện các thể chế chính sách nhằm khai thác tổng thể các nguồn lực để sử dụng có hiệu quả, khai thác hết tiềm năng sản xuất nông nghiệp trong quá trình tham gia các hiệp định thương mại tự do theo nguyên tắc nông sản phải có chất lượng và an toàn thực phẩm. Thực hiện đầy đủ các cam kết nhằm thỏa mãn các hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định về rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT); Hiệp định về kiểm dịch động thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS) của WTO, thì các nước thành viên không thể tự dựng lên các hàng rào kỹ thuật để tự ý ngăn cản các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.