Theo Bộ NN-PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2017 đạt 36,37 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là mức kỷ lục mới trong xuất khẩu nông lâm thủy sản từ trước đến nay trong điều kiện diễn biến thời tiết hết sức phức tạp, mưa bão liên miên.
Trong đó, mặt hàng rau quả tăng mức kỷ lục, đạt 3,45 tỷ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2016. Kết quả trên đã mở ra tín hiệu đột phá, làm thay đổi cơ cấu ngành hàng xuất khẩu của nước ta.
Sơ chế chuối già cấy mô xuất khẩu ở nông trường sông Hậu.
Các chỉ tiêu đều đạt và vượt
Những ngày cuối năm 2017, tin vui đến với nhà vườn Tiền Giang khi lô vú sữa đầu tiên được xuất sang thị trường Hoa Kỳ.
Ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cát Tường, là doanh nghiệp được chọn xuất khẩu lô vú sữa đầu tiên sang Hoa Kỳ cho biết, để đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch nhập khẩu của các thị trường khó tính nói chung, thị trường Hoa Kỳ nói riêng, công ty đã xây dựng nhà máy đóng gói đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và đầu tư thiết bị xử lý hơi nước nóng theo tiêu chuẩn Nhật Bản, đảm bảo đạt yêu cầu kiểm dịch khắt khe của các nước nhập khẩu.
Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu rau quả lớn thứ 3 của Việt Nam với giá trị kim ngạch trong năm vừa qua đạt 84,5 triệu USD, tăng 44,2% so với năm 2016. Đây là thị trường tiềm năng đối với trái cây Việt Nam, trong đó có trái vú sữa. Việt Nam cũng là nước đầu tiên và duy nhất được cấp phép xuất khẩu trái vú sữa tươi vào thị trường Hoa Kỳ.
Không chỉ có mặt hàng rau quả. Báo cáo của Bộ NN-PTNT cho biết, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 18,96 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2016; thủy sản ước đạt 8,32 tỷ USD, tăng 18%; các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 7,97 tỷ USD, tăng 9,2%.
Ngay như xuất khẩu gạo, trái với những dự báo khó khăn từ đầu năm, khối lượng gạo xuất khẩu năm 2017 ước đạt 5,89 triệu tấn với 2,66 tỷ USD, tăng 22,4% về khối lượng và tăng 23,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Các mặt hàng khác như cao su, chè… đều xuất khẩu đạt và vượt chỉ tiêu. Trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu, cà phê là mặt hàng duy nhất có sự sụt giảm cả về khối lượng và giá trị xuất khẩu.
Cụ thể, năm 2017, khối lượng cà phê xuất khẩu ước đạt 1,42 triệu tấn và 3,21 tỷ USD, giảm 20,2% về khối lượng và 3,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Bình luận về sự đột phá này, một chuyên gia kinh tế cho biết, nếu những năm đầu hội nhập, chúng ta chỉ có một vài mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao như dệt may, da giày, than đá, dầu thô… thì nay đã có trên 30 nhóm hàng xuất khẩu đạt giá trị kim ngạch từ 1 tỷ USD/năm trở lên. Thậm chí có cả những nhóm mặt hàng chưa từng đặt hy vọng như rau, củ, quả cũng đạt mức 3,5 tỷ USD. Cùng với đó, cơ cấu hàng hóa nhập khẩu cũng thay đổi tích cực theo hướng tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất trong nước hơn là các mặt hàng tiêu dùng – động lực phát triển của nền sản xuất nội địa.
Hơn thế, trong 2 năm qua, Việt Nam bắt đầu xuất siêu thương mại kể từ khi gia nhập WTO với dự liệu đáng mừng là năm 2017, xuất siêu trên 3 tỷ USD, giúp cán cân thanh toán tổng thể quốc gia có thặng dư khá lớn và khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ giao thương thế giới. Theo xếp hạng của WTO, thứ hạng về xuất khẩu của nước ta tăng lên từ vị trí 50 năm 2007 lên vị trí 26 năm 2016, còn nhập khẩu từ vị trí 41 năm 2007 lên vị trí 25 năm 2016 và chắc chắn sẽ tiếp tục tăng bậc trong năm 2017.
Tạo đà cho các năm tiếp theo
Những kỳ tích trên đã và đang là minh chứng rõ ràng cho đường lối đúng đắn cùng những nỗ lực, quyết tâm của Việt Nam, đồng thời tạo nền tảng vững chắc và hy vọng mới cho cộng đồng doanh nghiệp trên bước đường hội nhập kinh tế toàn cầu.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, trong khó khăn, ngành nông nghiệp năm nay vẫn tăng trưởng ở mức 2,94%, vượt chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt gần 36,4 tỷ USD, tăng hơn 4 tỷ USD so với năm ngoái và là mức cao kỷ lục; thặng dư tuyệt đối của ngành là 8,55 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với năm 2017. Điều đó cho thấy vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang đi đúng hướng, đó là sản xuất theo yêu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Để duy trì được mục tiêu tăng trưởng, các ngành hàng từ nhóm hàng chủ lực quốc gia, ngành hàng của các địa phương và ngành hàng đặc sản đều phải tập trung sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, phải tập trung vào các nút thắt chính là xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, chế biến sâu và mở rộng thị trường…
Theo TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, qua các số liệu nêu trên cho thấy nước ta có lượng nông sản hàng hóa dồi dào, sức sản xuất của nhân dân rất lớn nhưng khâu hợp tác sản xuất và thương mại để đảm bảo chuỗi sản xuất còn rất nhiều khó khăn. Còn rất nhiều việc ngành nông nghiệp phải làm và cố gắng tăng trưởng đặt trong điều kiện bền vững. Tức là thực hiện các giải pháp đồng bộ của tái cơ cấu, phải chú trọng giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết chuỗi và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Không chỉ có vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, thời gian tới, giá nông sản sẽ tương đối ổn định, do đó, Việt Nam nên tập trung vào nâng cao chất lượng, chế biến theo chiều sâu, chú trọng phát triển thị trường tiềm năng là rau quả… Làm thế nào để ngành nông nghiệp cải thiện được đời sống của nông dân, những chủ thể trực tiếp tham gia sản xuất. Có như vậy mới tạo được động lực cho họ cũng như sự đồng bộ trong việc gia tăng giá trị cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu, cân bằng giữa số lượng xuất khẩu và đời sống nông dân.
Để xuất khẩu bền vững hơn, lãnh đạo các địa phương cho rằng ngành công thương cần tập trung vào nhiều giải pháp như tháo gỡ khó khăn cho sản xuất trong nước, tạo nguồn hàng xuất khẩu; tăng cường công tác thông tin và triển khai hiệu quả các biện pháp tháo gỡ vướng mắc về thị trường; tuyên truyền rộng rãi về các hiệp định thương mại tự do cũng như hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với những biện pháp phòng vệ thương mại…
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, những thành tựu của năm nay sẽ là tiền đề quan trọng để đẩy nhanh tái cơ cấu trong thời gian tới. Năm 2018, ngành nông nghiệp sẽ khởi công xây dựng 6 nhà máy chế biến rau củ quả quy mô với công suất mỗi nhà máy khoảng 1 triệu tấn/năm). Từ tiền đề là các nhà máy này, ngành nông nghiệp sẽ hình thành vùng nguyên liệu tập trung, xây dựng mối liên kết với bà con nông dân thông qua mô hình HTX kiểu mới, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo Sài Gòn giải phóng
Tin mới hơn:
- 12/01/2018 07:41 – Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo làm việc với Agritera về Hợp tác hỗ trợ HTX
- 11/01/2018 08:47 – VCA phối hợp Bộ NN&PTNT, Hội Nông dân Việt Nam phát triển 15.000 HTX nông nghiệp
- 09/01/2018 08:14 – Kỳ vọng lên đời từ lúa sạch
- 09/01/2018 07:55 – Tăng cường hỗ trợ, kết nối chuỗi sản xuất rau an toàn
- 08/01/2018 08:22 – Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo được bầu vào Đoàn Chủ tịch Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII