GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CÁC HỢP TÁC XÃ SẢN XUẤT DƯỢC LIỆU THEO CHUỖI GIÁ TRỊ KHU VỰC MIỀN NÚI PHÍA BẮC

Trong khuôn khổ đề tài khoa học công nghệ cấp ngành năm 2024, “Đánh giá thực trạng HTX phát triển sản xuất dược liệu và đề xuất giải pháp xây dựng HTX phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị dược liệu khu vực Miền núi phía Bắc”; Ngày 10 tháng 10 năm 2024, tại Thành phố Yên Bái, Viện Phát triển Kinh tế hợp tác (ICED) đã tổ chức hội thảo “Giải pháp phát triển các HTX sản xuất dược liệu theo chuỗi giá trị khu vực miền núi phía Bắc”.

Hình ảnh tại Hội thảo.

Hội thảo được tổ chức với mục tiêu: Đánh giá thực trạng trồng, chế biến và liên kết tiêu thụ dược liệu khu vực miền núi phía Bắc. Từ đó đưa ra các giải pháp phát triển các HTX sản xuất dược liệu theo chuỗi giá trị khu vực miền núi phía Bắc, nâng cao chất lượng cuộc sống của thành viên, người lao động HTX.

Đến tham dự Hội thảo có đại diện là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ Cục Lâm nghiệp (Bộ NN & PTNT), Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam, Trường Đại học Tân Trào; Đại diện lãnh đạo, chuyên viên Viện Phát triển kinh tế hợp tác, Liên minh HTX Việt Nam và 12/14 đại diện cho vùng Miền núi phía Bắc cùng với hơn 40 đại biểu đại diện cho các HTX sản xuất dược liệu các tỉnh Miền núi phía Bắc.

Hình ảnh tại Hội thảo.

Kết quả Hội thảo cho thấy, các tỉnh Miền núi phía Bắc có đặc trưng về địa hình, khí hậu, đất đai và tài nguyên hệ sinh thái rừng; sự đa dạng về dân tộc, văn hóa, …, các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc có những sự khác biệt so với các vùng khác trong cả nước. Sự khác biệt đó đã tạo ra tiềm năng to lớn về phát triển, khai thác các giá trị của hệ sinh thái rừng như: gỗ, lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu và các giá trị dịch khác của rừng. Tổng diện tích đất tự nhiên là trên 10,41 triệu ha, chiếm 31,4% diện tích tự nhiên cả nước, địa hình trải dài từ Bắc và kéo dài theo hướng Tây – Đông; phía Đông, giáp biển Đông, địa hình chủ yếu đồi núi, đa dạng, phức tạp với nhiều dãy núi cao với độ cao trung bình từ 600 – 1200m, nhất là dãy núi Hoàng Liên Sơn có đỉnh FanXiPăng, độ cao 3.143m và  đỉnh Tây Côn Lĩnh có độ cao 2.427 m, với độ dốc trung bình từ 25 – 320; khu vực chuyển tiếp đồng bằng và miền núi, địa hình thấp hơn với độ cao trung bình từ 200 – 300 m và độ dốc trung bình từ 18- 270.

Theo tổng hợp của các địa phương năm 2023, tổng diện tích gây trồng, phát triển cây lâm sản ngoài gỗ (bao gồm cả cây gỗ đa mục đích) trên đất lâm nghiệp khoảng 300.000 ha, trong đó chủ yếu là cây Quế: 171.982 ha (chiếm 55,7%), được gây trồng tại các tỉnh Yên Bái, Lào Cai; cây Hồi: 52.885 ha (chiếm 17,1%), được trồng tại tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng; cây Thảo quả: 34.723 ha (chiếm 11,25%) được trồng dưới tán rừng các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu; Sơn Tra (Táo mèo): 23.645 ha (chiếm 7,66%) được trồng chủ yếu tại các tỉnh: Yên Bái, Sơn La và Lai Châu; cây Sa nhân: 12.390 ha (chiếm 4,01%) trồng tại các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai; Ba Kích: 2.673 ha (chiếm 0.9%) trồng tại tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang; các loài khác bao gồm: Giảo cổ lam, Chè dây,  Hà thủ ô, Bảy lá một hoa, Đỗ trọng, Cỏ thơm, … chiếm: 3,4 %, được trồng rải rác tại các tỉnh trong vùng. Nhiều loài cây được trồng cả trên đất rừng (Quế, Hồi, Sơn Tra) và trên đất nông nghiệp trồng cây lâu năm.

                         Cây Sâm Lai Châu dưới tán rừng tự nhiên                                          Cây Sơn Tra (Táo mèo) ở tỉnh Sơn La

Nguồn: TS Vũ Thành Nam; Trưởng phòng sử dụng rừng; Cục Lâm nghiệp.

Công nghệ trồng và chế biến dược liệu đã và đang được áp dụng ở Việt Nam hiện nay đã phát triển vượt bậc so với giai đoạn những năm 2000 – 2005. Tiêu chuẩn GACP- WHO (Good of Agricultural and Collection practices of Vietnam/WHO) là tiêu chuẩn đánh giá thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu hoặc nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên” của Việt Nam (GACP Việt Nam) hoặc GACP – WHO. Dưới đây là một số biện pháp mà khoa học công nghệ có thể được áp dụng trong sản xuất dược liệu:

  1. Nuôi cấy mô tế bào thực vật: Giúp sản xuất số lượng lớn các loại dược liệu quý hiếm mà không cần khai thác tự nhiên, bảo tồn nguồn gen và đa dạng sinh học.
  2. Biến đổi gen: Tạo ra các giống cây dược liệu có hàm lượng hoạt chất cao hơn, khả năng kháng bệnh tốt hơn.
  3. Hệ thống quản lý thông tin: Sử dụng phần mềm để quản lý quy trình sản xuất, từ khâu trồng trọt đến chế biến và phân phối, giúp tối ưu hóa quy trình và tăng cường hiệu quả.
  4. Dữ liệu lớn (Big Data): Phân tích dữ liệu từ các nghiên cứu để dự đoán xu hướng thị trường, nhu cầu sản phẩm và tối ưu hóa quy trình sản xuất.
  5. Chiết xuất hiện đại: Sử dụng các phương pháp chiết xuất tiên tiến như siêu âm, hạt nano, hoặc chiết xuất bằng CO2 siêu tới hạn để thu được các hoạt chất có giá trị cao hơn.
  6. Công nghệ sấy lạnh: Bảo quản tốt hơn các dược liệu sau thu hoạch, giữ nguyên hoạt chất và chất lượng.
  7. Công nghệ phân tích: Sử dụng các phương pháp phân tích hiện đại (HPLC, GC-MS) để kiểm tra chất lượng và xác định hàm lượng hoạt chất trong dược liệu.
  8. Nghiên cứu dược lý: Áp dụng công nghệ phân tích hiện đại để xác định hoạt tính sinh học của các dược liệu và tìm ra các ứng dụng mới.
  9. Phát triển công thức bào chế từ dược liệu: Sử dụng công nghệ hiện đại để phát triển các dạng bào chế mới, như viên nén tan nhanh, gel hoặc thuốc xịt. Ngày nay, với dây chuyền sản xuất tiên tiến, dược liệu được chiết xuất và bào chế thành nhiều quy cách như: viên nang cứng, nang mềm, viên nén bao phim, bao đường,…Các dạng bào chế này giúp thuận tiện trong việc sử dụng, bảo quản, cũng như tránh được nguy cơ dùng phải dược liệu giả hoặc kém chất lượng. Hiện đại hóa các kỹ thuật bào chế cổ truyền nếu được vận dụng theo cả cách nhìn hiện đại và cổ truyền sẽ tạo nên sản phẩm có năng suất và chất lượng cao. Chất lượng cao của thuốc cổ truyền còn bao hàm ý nghĩa có hiệu quả cao trong điều trị và an toàn trong sử dụng. Bản sắc của thuốc cổ truyền quyết định chất lượng của thuốc.

Hình ảnh tại Hội thảo

Trên địa bàn các tỉnh Miền núi phía Bắc; Mặc dù tiềm năng phát triển cây dược liệu là rất phong phú; Song thực trạng sản xuất của các HTX dược liệu đã gặp phải những khó khăn nhất định: (i) Khai thác tự nhiên thiếu bền vững; (ii) Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng không đồng đều; (iii) Công nghệ sản xuất, chế biến lạc hậu; (iv) Liên kết yếu kém trong chuỗi giá trị và nhiều những bất cập khác về cơ chế, chính sách hỗ trợ.

Hình ảnh tại Hội thảo

Hội thảo đã đưa ra những nhóm giải pháp cơ bản, cụ thể nhằm đẩy mạnh phát triển các HTX dược liệu trên địa bàn các tỉnh Miền núi phía Bắc hiện nay: (i) Cần xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn bài bản, chuyên sâu cho cán bộ quản lý, thành viên HTX về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản và chế biến dược liệu theo hướng hữu cơ, bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, cần nâng cao kiến thức về quản trị, tiếp thị, tài chính và kỹ năng mềm cho các thành viên HTX, giúp họ tự tin và chủ động hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh; (ii) Cần đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất dược liệu, đặc biệt là các công nghệ chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, đồng thời giảm thiểu tác động đến môi trường; (iii) Hỗ trợ HTX xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm dược liệu của mình thông qua các hoạt động truyền thông, tiếp thị, tham gia hội chợ triển lãm… Thương hiệu mạnh sẽ giúp sản phẩm dược liệu của Điện Biên có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, tăng khả năng cạnh tranh và nâng cao giá trị, mang lại lợi ích kinh tế cao hơn cho các thành viên HTX; (iv) Khuyến khích và hỗ trợ liên kết hợp tác giữa HTX với các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu. Sự hợp tác này sẽ giúp HTX tiếp cận được nguồn vốn, công nghệ, kiến thức và thị trường, đồng thời tạo ra chuỗi giá trị bền vững cho ngành dược liệu; (v) Hỗ trợ HTX xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, đảm bảo nguồn cung ổn định, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp chế biến và thị trường. Việc hình thành các vùng chuyên canh dược liệu sẽ giúp nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng công nghệ và kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Người đăng tin; ThS. Phạm Quốc Trị; Viện Phát triển kinh tế hợp tác; Chủ nhiệm đề tài.