Hỗ trợ phát triển mô hình giảm nghèo liên kết chuỗi giá trị sản phẩm lúa gạo huyện Mù Cang Chải

Thực hiện nhiệm vụ năm 2022 của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Viện Phát triển kinh tế hợp tác đã phối hợp với các cấp chính quyền địa phương lựa chọn 10 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia dự án Hỗ trợ Phát triển mô hình giảm nghèo liên kết chuỗi giá trị sản phẩm lúa gạo huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.

Dự án được thực hiện với mục tiêu: Phát triển trồng và sản xuất lúa gạo đúng quy trình kỹ thuật đảm bảo năng suất, chất lượng nhằm phát triển sản xuất lúa gạo thuộc huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái; Phát triển vùng trồng lúa theo hướng hữu cơ nhằm tăng giá trị sản phẩm, thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường cũng như bảo vệ sức khỏe của cộng đồng; Bồi dưỡng nâng cao kiến thức về kỹ thuật trồng và chế biến lúa gạo, liên kết chuỗi giá trị sản phẩm, thị trường tiêu thụ lúa gạo cho các hộ tham gia dự án; Tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo nhằm đa dạng hóa sinh kế, giảm nghèo, thoát nghèo bền vững và phát triển kinh tế xã hội tại địa bàn huyện Mù Căng Chải.

Đồng chí Phạm Minh Điển, Trưởng ban Kế hoạch Hỗ trợ, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phát biểu tại Lễ bàn giao và nghiệm thu Dự án Phát triển mô hình giảm nghèo liên kết chuỗi giá trị sản phẩm lúa gạo tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái

Theo đó, Viện Phát triển kinh tế hợp tác phối hợp với UBND huyện Mù Cang Chải, UBND xã tiến hành khảo sát điều kiện thực tiễn tại huyện và lựa chọn được 10 hộ tham gia dự án, thuộc địa bàn xã Cao Phạ và xã Chế Cu Nha.

Về cơ bản, các hộ thuộc đối tượng nghèo được giới thiệu tham gia dự án hiện đang sản xuất lúa gạo, có ý chí vươn lên làm giàu, chăm chỉ lao động với mong muốn phát triển cây lúa để tiến tới thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, kinh tế các hộ còn gặp nhiều khó khăn, việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ trong sản xuất lúa gạo và phát triển tiêu thụ gạo còn nhiều bất cập, rất cần được các đơn vị hỗ trợ về đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức và hỗ trợ các nguyên liệu đầu vào để sản xuất lúa gạo tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả giúp các hộ tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống.

Tại Lễ Bàn giao, các hộ gia đinh được Dự án trao tặng máy cắt cỏ

Vừa qua, Viện Phát triển kinh tế hợp tác đã tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao kiến thức về kỹ thuật trồng lúa gạo và liên kết chuỗi giá trị sản phẩm lúa gạo gắn với phát triển du lịch ruộng bậc thang. Qua đó giúp người dân tham gia lớp tập huấn nắm vững các kiến thức về kỹ thuật trồng sản xuất chế biến lúa gạo, đảm bảo năng suất, chất lượng lúa gạo, đồng thời có thêm các kiến thức liên kết chuỗi, thị trường qua đó thay đổi tư duy sản xuất trồng lúa gạo bền vững, có những tiếp cận thực tiễn về liên kết. Cùng với đó là hỗ trợ các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất lúa gạo như: phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, máy cắt cỏ…

Đồng chí Nguyễn Thị Thủy, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế hợp tác và Đồng chí Đỗ Nhân Đạo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Yên Bái trao tặng các gia đình nghèo huyện Mù Cang Chải phân bón hữu cơ 

Tới nay, Dự án đã hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra. Bước đầu Dự án đã hỗ trợ các hộ nghèo những cơ sở vật chất, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất lúa, đồng thời cung cấp thêm các kiến thức chuyên môn trồng lúa hữu cơ, phát triển chuỗi giá trị lúa gạo. Qua đó tạo động lực và giúp các hộ nghèo từng bước phát triển sản xuất lúa gạo, nâng cao năng suất, tăng thu nhập và tiến tới thoát nghèo bền vững.

Đồng chí Giàng A Chái, Chủ tịch xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải mong muốn được sự quan tâm hơn nữa từ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam với bà con hợp tác xã trong thời gian tới

Lê Huy