Sau hai năm triển khai Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 55) về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (NNNT), tính đến ngày 30-6-2017, dư nợ tín dụng NNNT đạt 1.188.075 tỷ đồng, tăng khoảng 47% so với thời điểm bắt đầu triển khai nghị định và tăng 13,7% so với cuối năm 2016, chiếm tỷ trọng 19,8% trong tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Kết quả này là minh chứng khẳng định Nghị định 55 đã đi vào cuộc sống và góp phần thúc đẩy đầu tư tín dụng vào lĩnh vực NNNT.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã trao đổi với đồng chí Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).
Phóng viên (PV): Sau hai năm triển khai Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NNNT đã có một số ý kiến của doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), nông dân và chuyên gia kinh tế về những bất cập cần phải sửa đổi. Đồng chí có ý kiến gì về những phản ánh này?
Đồng chí Nguyễn Quốc Hùng: Nghị định 55 với các quy định ưu đãi hơn so với Nghị định số 41/2010/NĐ-CP trước đó, như nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm lên gấp từ 1,5 đến 2 lần so với quy định cũ; bổ sung đối tượng khách hàng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng nằm ngoài khu vực nông thôn cũng được thụ hưởng chính sách; bổ sung các chính sách ưu đãi để khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) đầu tư vào lĩnh vực NNNT…
Sau hai năm triển khai, đến ngày 30-6-2017, dư nợ tín dụng NNNT đạt 1.188.075 tỷ đồng, tăng khoảng 47% so với thời điểm bắt đầu triển khai nghị định và tăng 13,7% so với cuối năm 2016, chiếm tỷ trọng 19,8% trong tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Tỷ lệ nợ xấu lĩnh vực NNNT đến ngày 30-6-2017 là 1,68% và luôn thấp hơn so với tỷ lệ nợ xấu nền kinh tế. Kết quả trên cho thấy các chính sách theo Nghị định 55 đã đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy đầu tư tín dụng vào lĩnh vực NNNT.
Đặc điểm trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp luôn chứa đựng nhiều rủi ro, như: Thiên tai, dịch bệnh và hiện nay đang chịu nhiều tác động bất lợi của biến đổi khí hậu. Trong khi đó, thị trường sản phẩm không ổn định, hoạt động bảo hiểm nông nghiệp chưa được triển khai rộng rãi; sản xuất nông nghiệp nước ta chủ yếu vẫn dựa trên nền tảng kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, năng lực sản xuất, khả năng tài chính hạn chế cũng là yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các hộ nông dân, HTX và DN, kết quả đầu tư tín dụng cho công nghệ cao, liên kết trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế… Điều đó đã, đang là những khó khăn và tiềm ẩn rủi ro cho việc đầu tư tín dụng vào lĩnh vực NNNT.
Đúng là sau hai năm thực hiện Nghị định 55 đã có một số nội dung bất cập với yêu cầu hiện tại và chưa phù hợp với một số chính sách mới của Chính phủ gần đây. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã phối hợp các bộ, ngành sớm trình Chính phủ để sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị định 55 cho phù hợp với Bộ luật Dân sự có hiệu lực từ ngày 1-1-2017, trong đó chú trọng bổ sung một số nội dung quy định tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cho vay liên kết theo chuỗi giá trị, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, xây dựng và phát triển nông thôn mới.
PV: Thưa đồng chí, hạn mức tín dụng là biện pháp quan trọng trong quản lý rủi ro tín dụng, khi triển khai Nghị định 55 vấn đề này đặt ra thế nào?
Đồng chí Nguyễn Quốc Hùng: Hạn mức tín dụng là biện pháp quan trọng trong quản lý rủi ro tín dụng. Bên cạnh đó, trong nhiều lĩnh vực, nhiều trường hợp vẫn có các giải pháp linh hoạt cùng với giải pháp hạn mức. Nghị định 55 cũng đã thể hiện một cơ chế thông thoáng cho vay NNNT được thực hiện trong những năm qua. Các TCTD đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn cho lĩnh vực NNNT, không giới hạn về mức cho vay đối với khách hàng. Nghị định cũng cho phép một số đối tượng khách hàng (cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, chủ trang trại, HTX…) được vay không có tài sản bảo đảm ở mức từ 50 triệu đồng đến 3 tỷ đồng, đặc biệt các DN, HTX tham gia mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70%-80% giá trị dự án, phương án sản xuất, kinh doanh.
Đối với các khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả có thể được TCTD xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm (theo cơ chế cho vay thông thường) với số tiền lớn hơn mức vay quy định trong Nghị định 55.
PV: Nghị định 55 có đề cập đến việc đẩy mạnh cho vay tín chấp đối với lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên quá trình triển khai, các ngân hàng vẫn yêu cầu tài sản thế chấp. NHNN có biện pháp gì để yêu cầu các TCTD đẩy mạnh cho vay tín chấp nhằm khơi thông vốn vào lĩnh vực nông nghiệp, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Quốc Hùng: Lĩnh vực nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro (thiên tai, dịch bệnh, thị trường sản phẩm không ổn định…) trong khi thiếu các công cụ phòng ngừa rủi ro, như bảo hiểm trong nông nghiệp. Bản thân ngân hàng là một trung gian tài chính, huy động từ dân để cho vay đối với nền kinh tế đòi hỏi phải thu hồi nợ vay đúng hạn để trả cho người gửi tiền, bảo đảm trách nhiệm bảo toàn vốn và an toàn hệ thống. Vì vậy, để bảo đảm chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu thì những khoản vay có số tiền lớn hơn mức quy định trong Nghị định 55, tổ chức tín dụng được quyền yêu cầu khách hàng phải áp dụng các hình thức bảo đảm cho khoản vay trong đó có thế chấp bằng tài sản. Việc thế chấp tài sản cũng đòi hỏi khách hàng phải có trách nhiệm hơn khi vay vốn ngân hàng.
Đến ngày 30-6-2017, dư nợ tín dụng không có tài sản bảo đảm trong lĩnh vực NNNT chiếm khoảng 20% dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực NNNT.
Thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo các TCTD xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm, hoạt động của khách hàng để nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay, qua đó tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, góp phần tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, đặc biệt là khách hàng trong lĩnh vực NNNT. Bên cạnh đó, để được cho vay tín chấp, bản thân khách hàng phải thực hiện đầy đủ việc lập thống kê, công khai minh bạch báo cáo tài chính theo quy định (có kiểm toán), giữ tín nhiệm trong quan hệ vay vốn với ngân hàng.
PV: Thưa đồng chí, có ý kiến phản ánh hiện nay quá trình thẩm định cho vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp, tài sản thế chấp được thẩm định đánh giá thấp hơn so với giá trị tài sản thực tế, vấn đề này cần được giải quyết như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Quốc Hùng: Quá trình thẩm định cho vay vốn đối với lĩnh vực nông nghiệp, ngân hàng gặp khó khăn trong định giá tài sản bảo đảm (giá trị tài sản bảo đảm thấp) do:
Tài sản bảo đảm trong cho vay đối với lĩnh vực NNNT chủ yếu là đất nông nghiệp và theo quy định của pháp luật thì các TCTD phải căn cứ vào giá đất do UBND cấp tỉnh công bố theo khung giá đất Nhà nước để đánh giá giá trị tài sản bảo đảm để cho vay.
Tài sản hình thành từ các dự án trên đất nông nghiệp phục vụ cho chính hoạt động sản xuất nông nghiệp (nhà kính, nhà lưới) mặc dù có giá trị đầu tư lớn nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất, gây khó khăn cho DN và ngân hàng trong việc định giá và nhận thế chấp tài sản bảo đảm cho khoản vay. Chính vì vậy, tại Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 7-3-2017, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp nghiên cứu sửa đổi quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất; hướng dẫn chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, trong đó bao gồm tài sản hình thành trên đất của các dự án nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Theo Quân đội nhân dân
- 28/09/2017 07:12 – HTX Tiền An phát huy thế mạnh, vươn lên nhờ rau sạch
- 21/09/2017 09:48 – Ưu tiên hỗ trợ HTX đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng
- 20/09/2017 13:20 – HTX Thanh niên: Mô hình HTX sinh viên chuẩn thế giới
- 15/09/2017 14:25 – Gấp rút chuẩn bị sơ kết 5 năm thực hiện Luật hợp tác xã
- 12/09/2017 07:46 – Coi trọng vai trò kinh tế tập thể đối với tái cơ cấu kinh tế