Trong khuôn khổ Hội thảo cấp quốc gia “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng đồng bào dân tộc thiểu số & miền núi trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững” tại Mộc Châu, tỉnh Sơn La vào ngày 12-13/9.
Phiên chuyên đề thứ 3 với nội dung: Hợp tác xã xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam phát biểu kết thúc chuyên đề Hợp tác xã với việc xây dựng NTM vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Mở đầu chuyên đề, Đại biểu quốc hội, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành trình bày báo cáo chuyên đề về phát triển vùng hồ thủy điện Sơn La. Bài tham luận đưa ra 03 kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về ban hành chính sách ổn định nông dân vùng lòng hồ, bảo vệ rừng và nguồn nước cho các hồ đập, chính sách phát triển sản xuất gắn với du lịch sinh thái vùng lòng hồ sông Đà; triển khai du lịch nhà máy Thuỷ điện và điểm du lịch khác.
Đại biểu quốc hội, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành trình bày báo cáo chuyên đề tại hội thảo
Sau đó, nội dung của Liên minh HTX Việt Nam là: Vai trò của HTX trong xây dựng NTM vùng đồng bào dân tộc thiểu số, do đồng chí Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam trình bày.
Theo báo cáo, Kinh tế tập thể (KTTT), nòng cốt là hợp tác xã (HTX) là loại hình kinh tế phổ biến ở các nước phát triển và đang phát triển, thu hút hầu hết hộ cá thể vùng nông thôn tham gia, phù hợp với phương thức kinh tế chia sẻ, bền vững, gắn với chuỗi giá trị. Trên thế giới hiện có hơn 03 triệu HTX, 1,2 tỷ thành viên; doanh thu hằng năm đạt 3.000 tỷ đô la Mỹ, tác động trực tiếp đến đời sống của ½ dân số và đóng góp 10% GDP toàn cầu.
Đến nay, vùng DTTS&MN có 11.558 HTX, chiếm 42,4% tổng số HTX của cả nước, 35 liên hiệp HTX, 61.471 THT; số HTX hoạt động hiệu quả đạt 53%. Hầu hết HTX trong vùng đã chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012; các HTX thành lập từ năm 2013 đến nay đều mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ, chuyển biến tích cực về qui mô, năng lực quản tri; có 601 HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị (chiếm 30% số HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị của cả nước), thu hút 3,7 triệu thành viên, tạo 1,1 triệu việc làm, giảm nghèo, ổn định chính trị – xã hội.
Trong thời gian qua, KTTT, HTX có những đóng góp trong xây dựng NTM vùng DTTS&MN như tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động; thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao tay nghề cho thành viên và người lao động; tập trung ruộng đất; liên kết giữa các HTX, giữa HTX với các doanh nghiệp để sản xuất gắn với chuỗi giá trị; góp phần phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, giữ gìn bản sắc dân tộc vùng DTTS&MN; Góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Như vậy, phát triển kinh tế tập thể, HTX có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng NTM vùng DTTS&MN.
Tuy nhiên, phát triển kinh tế tập thể, HTX vùng DTTS&MN thời gian qua có một số tồn tại, hạn chế: Công tác tổ chức, quản lý điều hành các HTX chưa bắt kịp những thay đổi của thị trường; Thiếu vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật còn yếu kém; năng lực tiếp cận thị trường còn yếu; hiệu quả hoạt động còn nhiều hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế sẵn có; Thiếu chủ động liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Đồng chí Nguyễn Văn Thịnh- Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam trình bày báo cáo chuyên đề
Liên minh HTX Việt Nam đưa đề xuất phương hướng và đưa ra những mục tiêu cụ thể, giải pháp phát triển KTTT, hợp tác xã góp phần phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng nông thôn mới vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030…
Cả nước phấn đấu đến năm 2025: thành lập mới 2.000 HTX; trong đó có 200 HTX sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm; thu hút ít nhất 70% số hộ nông dân tham gia HTX; Đến năm 2030: Thành lập mới 3.000 HTX, trong đó có thêm ít nhất 5 HTX có quy mô cấp tỉnh, 01 HTX có quy mô cấp quốc gia và khu vực do người DTTS làm chủ…
Liên minh HTX Việt Nam đề xuất một số giải pháp phát triển KTTT, HTX vùng DTTS&MN giai đoạn 2021-2030: Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt về bản chất của kinh tế tập thể, HTX, nhất là về HTX kiểu mới; Tăng cường công tác đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS; Phát triển mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó HTX là nòng cốt; Đổi mới và hoàn thiện các chính sách và nội dung hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX phù hợp với từng giai đoạn và nhu cầu thực tế; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; vai trò Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, các hiệp hội ngành hàng, vai trò nòng cốt của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương…
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Sơn La- Lê Tiến Lợi đã trình bày tham luận tại hội thảo
Từ thực tiễn của tỉnh Sơn La về phát triển mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị; Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Sơn La- Lê Tiến Lợi đã trình bày tham luận: Kinh nghiệm trong phát triển mô hình liên kết chuỗi từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm gắn với vai trò của HTX.
Trong chuyên đề này, ông Chékou Oussouman, Trưởng đại diện khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Cộng đồng Pháp ngữ cho biết, tổ chức này đang coi các HTX như cầu nối để tiếp cận và hỗ trợ người nông dân tại khu vực nông thôn. Hiện tại, tổ chức đang hỗ trợ cho 3 HTX tại Việt Nam, trong đó có 1 đơn vị tại Đồng Tháp, 2 đơn vị tại tỉnh Lai Châu. 2 dự án tại Lai Châu đều tập trung vào các sản phẩm nông sản chủ lực của người dân tộc thiểu số, điển hình là cây sắn.
Gs.Ts Trần Đức Viên, Học viện nông nghiệp Việt Nam, cho rằng vai trò của HTX, tổ hợp tác trong xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là không thể phủ nhận. Cần giải quyết 2 khó khăn, một là hình thức sản xuất, hai là bài toán thị trường; tạo được niềm tin của người dân. Chỉ khi có được niềm tin của người dân, cần tiếp tục hoàn thiện luật…
Gs.Ts Trần Đức Viên, Học viện nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Phát biểu kết thúc chuyên đề, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam tổng hợp ý kiến và đưa ra một số đề xuất:
Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tạo điều kiện cho Liên minh HTX Việt Nam chủ trì, cùng các địa phương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai Đề án “Phát triển KTTT, HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030”;
Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ HTX, Liên hiệp HTX vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở mức cao hơn vùng khác;
Đề nghị các tỉnh, thành phố thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi quan tâm nghiên cứu dành thời lượng và nội dung đáng kể về phát triển KTTT, HTX phù hợp nghiên cứu thực tế và Kết luận của Bộ Chính trị số 70-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX vào Nghị quyết Đại hội trình Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Trung tâm Thông tin- Tuyên truyền