Chương trình phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Liên minh hợp tác xã Việt Nam nhằm tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên trong công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về bản chất kinh tế tập thể, hợp tác xã, nhất là hợp tác xã kiểu mới; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền và kinh tế tập thể, hợp tác xã trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam đại diện ký kết biên bản hợp tác giữa hai bên (Ảnh: HNV)
Chiều 5/4, tại trụ sở Liên minh Hợp tác xã Việt Nam ở Hà Nội đã diễn ra lễ ký kết chương trình phối hợp công tác giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Liên minh hợp tác xã Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu tại chương trình, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, cần đẩy mạnh tuyên truyền, đề cao vai trò hệ thống chính trị trong phát triển kinh tế tập thể, nhất là các mô hình hợp tác xã có quy mô và sức cạnh tranh lớn; từng bước nắm bắt và định hướng dư luận xã hội để hiểu rõ hơn bản chất, vai trò, vị trí đồng thời có giải pháp tháo gỡ về cơ chế chính sách trong phát triển; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cấp ủy, chính quyền, đổi mới mô hình quản trị hệ thống kinh tế tập thể, hợp tác xã phù hợp thực tế Việt; đẩy mạnh tuyên truyền ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhất là công nghệ số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, cổ vũ tinh thần lao động sáng tạo, gương người tốt việc tốt, lấy nông dân làm trung tâm, nông thôn làm nền tảng, nông nghiệp làm động lực để phát triển hợp tác xã, khắc phục tình trạng manh mún nhỏ lẻ, chia cắt… đưa các mô hình hợp tác xã kiểu mới tiếp cận khoa học công nghệ, đảm bảo chuỗi cung ứng từ vùng nguyên liệu đến khâu thị trường đáp ứng quy mô sản xuất đến lưu thông… Đặc biệt, nâng cao nhận thức từ lý luận đến thực tế, đổi mới tư duy về kinh tế tập thể, hợp tác xã…
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại chương trình (Ảnh: HNV)
Theo tinh thần đó, chương trình phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Liên minh hợp tác xã Việt Nam nhằm tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên trong công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và nhân dân về bản chất kinh tế tập thể, hợp tác xã, nhất là hợp tác xã kiểu mới; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền và kinh tế tập thể, hợp tác xã trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường các bài viết tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các mô hình, điển hình kinh tế tập thể, hợp tác xã thành công, hiệu quả trong nước và quốc tế qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nói chung.
Báo cáo kết quả phối hợp tuyên truyền trong thời gian qua, đồng chí Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy nêu rõ: Trong những năm qua, Ban Tuyên giáo Trung ương và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã phối hợp triển khai công tác tuyên truyền phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và đạt được những kết quả nhất định, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và xã hội, kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, rộng khắp trong các lĩnh vực, các vùng miền, địa phương, cả nông thôn và thành thị.
Theo Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường, tính đến hết tháng 12/2021, cả nước có 227.394 hợp tác xã trong đó có 18.146 hợp tác xã nông nghiệp, 8.067 hợp tác xã phi nông nghiệp, 1.181 Quỹ tín dụng nhân dân; 108 liên hiệp hợp tác xã và 119.710 tổ hợp tác. Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã thu hút gần 7 triệu thành viên tham gia, trong đó chủ yếu đại diện hộ gia đình ở khu vực nông thôn, tác động đến hơn triệu người dân ở cả thành thị và nông thôn, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững. Tuy nhiên, các hoạt động phối hợp vẫn còn hạn chế, chưa thường xuyên, liên tục; nội dung phối hợp quản lý, chỉ tập trung vào công tác tuyên truyền là chủ yếu, chưa tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ tuyên giáo các cấp với kinh tế tập thể, hợp tác xã, chưa có những hội nghị báo cáo viên chuyên đề về kinh tế tập thể, hợp tác xã…
Trên cơ sở đó, trong thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm sẽ tập trung vào việc xây dựng một xây dựng ký kết chương trình phối hợp triển khai công tác tuyên truyền phát triển kinh tế tập thể hợp tác xã; phối hợp chặt chẽ trong nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; thực hiện chương trình hành động của Ban Tuyên giáo Trung ương, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phát biểu tại chương trình (Ảnh: HNV)
Ngoài ra, chỉ đạo, định hướng các báo, đài trung ương và địa phương tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, cấp ủy đảng chính quyền địa phương về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Tăng cường sự phối hợp giữa các vụ, đơn vị của Ban Tuyên giáo Trung ương và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, giữa ngành Tuyên giáo và hệ thống liên minh hợp tác xã Việt Nam trong cả nước để hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu, thông tin tuyên truyền của kinh tế tập thể, hợp tác xã; phục vụ cho việc thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển bền vững, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Song song là phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, kết luận, chỉ thị của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; các mô hình hợp tác xã hoạt động có hiệu quả trong và ngoài nước; tổ chức các lớp đào tạo tập huấn, các hội nghị hội thảo trong nước và quốc tế chất lượng; sơ kết, kiểm tra, giám sát nhiệm vụ phối hợp giữa các bên tham gia…
Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo bày tỏ tin tưởng sự phối hợp hiệu quả giữa hai cơ quan sẽ góp phần củng cố sự phát triển của kinh tế tập thể, hợp tác xã vào sự phát triển chung, góp phần thực hiện thắng lợi, mục tiêu nhiệm vụ đề ra.