Hội nghị quán triệt Nghị quyết 11-NQ/TW, Nghị quyết 13-NQ/TW và thông tin thời sự: Tạo bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh

Chiều 10/5, Đảng bộ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Hội nghị Quán triệt Nghị quyết 11-NQ/TW, Nghị quyết 13-NQ/TW và thông tin thời sự.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam báo cáo tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; đồng chí Vũ Trọng Hà, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 35 Trung ương; cùng toàn thể các đồng chí là đảng viên Đảng bộ Liên minh Hợp tác xã Viêt Nam.

Hội nghị được tổ chức nhằm quán triệt sâu rộng trong toàn hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng bộ để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết quan trọng này vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển Vùng.

Đồng chí Vũ Trọng Hà, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 35 Trung ương báo cáo tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khái quát những nội dung chủ yếu Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10-2-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

“Việc Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới về vùng sẽ mở đường cho chính sách mới và những cơ chế, chính sách này giúp thu hút nguồn lực để cho phát triển của vùng trong giai đoạn tới”. Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo chia sẻ.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Hiện nay, nước ta được phân thành 6 vùng kinh tế – xã hội, trong đó: (1) Vùng trung du và miền núi phía bắc (14 tỉnh), bao gồm tiểu vùng Đông Bắc (10 tỉnh là Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang) và Tiểu vùng Tây Bắc (gồm 4 tỉnh là Hòa Bình, Sơn La, Điên Biên, Lai Châu); (2) Vùng đồng bằng sông Hồng (11 tỉnh, thành phố); (3) Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (14 tỉnh, thành phố); (4)Vùng Tây Nguyên (05 tỉnh); (5) Vùng Đông Nam bộ (06 tỉnh, thành phố) và (6) Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh, thành phố).

Lê Huy