Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ HTX phát triển

 

Sau quá trình khảo sát HTX đến cấp huyện, cấp xã, chiều 7/3, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo và Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc đã đồng chủ trì cuộc làm việc tìm giải pháp hỗ trợ phát triển HTX ở tỉnh này, nhất là xây dựng HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm.

 Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc, hiện nay tỉnh đang đặt mục tiêu phát triển đồng bộ trên các lĩnh vực, cơ cấu kinh tế công nghiệp 56% – thương mại dịch vụ 32% – nông nghiệp 12%, trong đó Thái Nguyên chủ trương phát triển mạnh HTX, nhằm không chỉ giữ vững nhịp độ phát triển nông lâm thủy sản, mà còn nâng cao chất lượng.

Chưa phát huy liên kết HTX 

Báo cáo của Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên cho thấy, trong 5 năm qua (2012-2017), tỉnh thành lập mới 506 THT (vượt mục tiêu đề ra), nâng tổng số lên 7.150 THT, trong đó nhiều THT đã phát triển thành HTX.

Thái Nguyên cũng vượt chỉ tiêu phấn đấu, mỗi năm thành lập mới 33 HTX. Hiện toàn tỉnh có 430 HTX, trong đó có 7 huyện xây dựng trên 2 mô hình HTX điển hình. Nhiều nhất là ở huyện Phú Lương: 7 HTX, thị xã Phổ Yên 7 HTX, Tp. Thái Nguyên 5 HTX… Nhiều HTX đổi mới mở rộng tiêu thụ sản phẩm, vươn lên trở thành những mô hình HTX kiểu mới điển hình trong các lĩnh vực ở các địa phương.

Thực hiện Đề án 247 ngày 31/3/2016 của Liên minh HTX Việt Nam về HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp các cấp ngành triển khai phát triển các HTX trong nông nghiệp, trong đó có các HTX chè, chăn nuôi và rau an toàn… Kết quả, toàn tỉnh đã có nhiều HTX hoạt động hiệu quả và đang nhân rộng các điển hình, như các HTX chè Tân Hương, Minh Thu, Hảo Đạt (Tp. Thái Nguyên), HTX chè La Bằng (Đại Từ), HTX chè Tuyết Hương, HTX Miến Việt Cường (Đồng Hỷ), HTX Gà đồi Đông Thịnh (Phú Bình), HTX rau an toàn Hùng Sơn (Đại Từ)…

Liên minh HTX Việt Nam làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên về phát triển HTX

Tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều vướng mắc, làm cho mô hình HTX chưa thể phát triển, trong đó khó khăn nhất là vốn và thị trường tiêu thụ, cần thiết có những chính sách hỗ trợ quy trình xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa.

Số lượng, quy mô các HTX hoạt động đều tăng qua các năm. Đã xây dựng được mối liên kết HTX – HTX , tạo sự đoàn kết gắn bó trong cộng đồng và hỗ trợ tốt hơn kinh tế hộ thành viên…

Song nhìn chung, quy mô của HTX còn nhỏ, công nghệ còn lạc hậu, sức cạnh tranh chưa cao, nên chưa có sức lan tỏa mạnh. Hoạt động liên kết hoạt động giữa HTX-HTX, HTX và thành viên cũng chưa phát huy tác dụng, hiệu quả còn thấp.

Tìm đầu ra cho nông sản? 

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo đánh giá tổng quan, phong trào HTX ở Thái Nguyên đã và đang phát triển mạnh, đã có nhiều THT chuyển lên HTX, nhiều HTX ở nông thôn đang hình thành các chuỗi giá trị nông sản.

Tuy nhiên, do các HTX Thái Nguyên còn yếu trình độ quản trị nên chưa tăng được thành viên, trong khi chính số lượng thành viên mới làm nên sức sống HTX.

Lấy ví dụ HTX Đông Thịnh, hiện thiếu vốn, quản trị yếu, thiếu cơ sở giết mổ gia cầm. HTX chè Tân Cương có ba vấn đề đáng suy nghĩ: đất thiếu, quản trị cần nâng cấp và mở rộng thị trường…

Liên minh HTX Việt Nam hoàn toàn có thể trợ giúp các HTX này phát triển sản xuất gắn với chuỗi gia trị. Thành công, các mô hình này sẽ lan tỏa, nhiều HTX sẽ ra đời.

Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị tỉnh Thái Nguyên, với vai trò quan trọng của mình đối với vùng Đông Bắc, cần có chiến lược phát triển mạnh hơn. Liên minh HTX Việt Nam sẵn sàng tham gia mời gọi đối tác trong nước và quốc tế, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển kinh tế – xã hội địa phương, trong đó có khu vực HTX.

Trong tái cơ cấu nông thôn, Thái Nguyên coi trọng HTX như hạt nhân phát triển nông thôn mới. Ở các huyện, cần có Ban chỉ đạo, hay Trung tâm tư vấn phát triển HTX. Như kinh nghiệm của Sơn La, nếu làm được như thế, các vướng mắc của các HTX như Chè Tân Hương, miến Việt Cường… sẽ kịp thời được tháo gỡ, tạo điều kiện phát triển HTX.

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh sự cần thiết quan tâm tới truyền thông về HTX, coi đây như “trọng tâm của trọng tâm” và đề nghị tỉnh Thái Nguyên xây dựng đề án riêng đẩy mạnh truyền thông về HTX, đồng thời chỉ đạo các sở ngành cụ thể hóa chính sách, tạo điều kiện phối hợp với các cán bộ, chuyên gia đoàn công tác Liên minh hỗ trợ các HTX gắn với chuỗi giá trị.

Vấn đề Thái Nguyên quan tâm nhất là thị trường tiêu thụ cho các HTX. Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, nhận xét rằng Thái Nguyên chưa khai thác tốt thị trường tiềm năng tại tỉnh.

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh lấy ví dụ khu công nghiệp SamSung đóng trên địa bàn Thái Nguyên, với hơn 80 vạn công nhân, đây là một trong những lợi thế rất ít tỉnh có được. Ngoài ra, trên địa bàn cũng có 10 vạn sinh viên các trường đại học, 25 doanh trại quân đội, và nhiều cơ quan, đơn vị… Đây chính là thị trường tiêu thụ khổng lồ cho các HTX.

Ông Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủyThái Nguyên, đồng tình và cho rằng các HTX trước hết cần khai thác thị trường tại chỗ, nhất là  Khu công nghiệp SamSung và các cơ quan, đơn vị Tp. Thái Nguyên. Có hai vấn đề cần giải quyết để đưa nông sản vào khu CN này, đó là có đơn vị kiểm định chất lượng an toàn và có tổng đầu mối thu mua và giao hàng.

Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hồng Bắc ghi nhận các ý kiến đóng góp, đề xuất và kiến nghị của Liên minh HTX Việt Nam. “Chúng ta đang nợ các HTX, nợ bà con nông dân về đầu ra sản phẩm. Các cấp và các sở ngành phải thấy hết được trách nhiệm của mình. Phải trả lời được câu hỏi làm thế nào để trứng, cá, rau hoa quả phải vào được khu CN SamSung, Chủ tịch tỉnh Vũ Hồng Bắc trăn trở.

Lưu Đoàn