Nếu sản phẩm lâm nghiệp sản xuất ra không đạt chứng nhận khai thác gỗ có nguồn gốc (FSC) thì không xuất khẩu được. Đây cũng là yêu cầu đặt ra cho các HTX lâm nghiệp hiện nay phải phát triển theo hướng đáp ứng nguyên tắc và tiêu chí của chứng nhận FSC.
Các HTX lâm nghiệp hiện nay chủ yếu là cung ứng dịch vụ đầu vào, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ sản xuất phát triển rừng và đại diện cho các hộ thành viên làm lâm nghiệp. Khi sản phẩm lâm nghiệp sản xuất ra không có chứng nhận FSC thì không xuất khẩu được.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường – Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế hợp tác (Liên minh HTX Việt Nam), định hướng phát triển HTX lâm nghiệp trong thời gian tới được xác định là hoạt động theo chuỗi giá trị sản xuất và đạt được các tiêu chí phát triển lâm nghiệp, đáp ứng tiêu chuẩn Chứng nhận FSC để tồn tại và phát triển bền vững.
Hướng đến chứng nhận FSC
FSC là “dấu bảo chứng” được công nhận rộng rãi nhất trên toàn cầu đối với những sản phẩm xuất xứ từ gỗ. Những công ty muốn đạt được chứng chỉ này phải đáp ứng được 10 nguyên tắc và 56 chỉ tiêu của FSC. Trong đó, có những tiêu chí cực kỳ nghiêm ngặt mà người trồng rừng chưa từng được tiếp cận trước đây, như không được sử dụng hóa chất khi trồng cây, cấm săn bắt động vật hoang dã ở FSC, không được đốt thực bì, không dùng máy cày, san ủi làm nghèo dinh dưỡng trong đất…
Rõ ràng, quá trình đầu tư cho tiêu chuẩn FSC tốn kém nhiều công sức và thời gian, nhưng đây vẫn là “giấc mơ chung” của các doanh nghiệp, HTX ngành gỗ. Bởi một khi được cấp chứng chỉ, sản phẩm gỗ như có được “visa” đến với những thị trường khó tính nhưng béo bở nhất thế giới.
Thấy rõ được tầm quan trọng của việc có được chứng nhận FSC, nhiều HTX lâm nghiệp trên địa bàn cả nước cũng đang tích cực từng bước bảo đảm các tiêu chí về FSC.
Chia sẻ thực tiễn hoạt động của HTX lâm nghiệp tại hội thảo “Phát triển HTX Lâm nghiệp – chính sách, kinh nghiệm và giải pháp” được tổ chức sáng 2/11 ở Hà Nội, ông Lý Văn Quang – Chủ tịch HĐQT HTX Cao Sơn (Đà Bắc, Hòa Bình), cho biết HTX lâm nghiệp có những thuận lợi nhất định khi các thành viên ý thức được trách nhiệm của mình đối với việc kinh doanh của HTX. Kiến thức, năng lực chuyên môn của các thành viên được cải thiện thông qua các hoạt động tư vấn kĩ thuật. Cây giống của HTX dần khẳng định vị trí trên thị trường và cho đến nay, cả thị trường đầu vào và đầu ra ngày càng được mở rộng.
Ông Quang khẳng định khó khăn lớn của HTX lâm nghiệp là việc nguồn vốn ít chưa đáp ứng được như cầu rộng lớn của thị trường, đặc biệt là vốn mua cây đứng. Các hộ dân thiếu tiền muốn bán cây đứng non nhưng HTX không có vốn để mua cây, vì khi mua cây non phải để lại một thời gian dài mới cho thu hoạch, cần nhiều vốn để duy trì hoạt động.
Toàn cảnh hội thảo Phát triển HTX Lâm nghiệp – chính sách, kinh nghiệm và giải pháp |
Giải quyết bắt đầu từ vốn
Thực tế cho thấy, các nguồn lực hỗ trợ phát triển HTX trong đó có HTX lâm nghiệp tương đối đa dạng, trong đó chủ yếu là nguồn kinh phí từ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước theo chính sách.
Cụ thể, nguồn kinh phí theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 25/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ cho phát triển kết cấu hạ tầng của HTX, đào tạo nguồn nhân lực, thu hút cán bộ trẻ có trình độ về làm việc tại HTX, xúc tiến thương mại, ứng dụng KH-KT…; nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu Tái cơ cấu kinh tế và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư theo Quyết định số 923 của Thủ tướng Chính phủ; chương trình khuyến nông quốc gia hỗ trợ cho đào tạo và ứng dụng công nghệ cao…
Để huy động được các nguồn lực hỗ trợ phát triển này, cần bổ sung nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX cả ở Trung ương và địa phương, xây dựng điều lệ hoạt động của Quỹ bảo đảm thuận lợi cho các HTX vay vốn.
Bên cạnh đó, việc nghiên cứu thành lập định chế tài chính mới để tăng cường hỗ trợ kinh tế hợp tác, HTX nhằm huy động vốn từ thị trường và liên kết hệ thống các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX cần được đẩy mạnh.
Đối với nguồn vốn tín dụng, tiếp tục tháo gỡ về cơ chế theo hướng: Công nhận giá trị tài sản của các HTX ở trên đất thuê, khoán là tài sản được tín chấp hoặc thế chấp để vay vốn; sử dụng nguồn bảo lãnh tín dụng; cho vay liên kết; tăng cường huy động vốn từ các thành viên thông qua việc củng cố hoạt động tín dụng nội bộ.
Kinh nghiệm chung để HTX lâm nghiệp hoạt động tốt được đưa ra là phải lựa chọn được đội ngũ điều hành, quản lý HTX nhiệt tình, tâm huyết, trí tuệ. Các HTX cần xây dựng điều lệ, nội quy, phương án sản xuất kinh doanh rõ ràng, cụ thể, linh hoạt, phù hợp với thực tế ở địa phương.
Bên cạnh việc có nhiều diện tích đất trồng rừng, HTX cần minh bạch, công khai về tài chính để các thành viên có niềm tin vào HTX, tăng cường liên kết hợp tác để đa dạng hóa nguồn lực và hưởng các chính sách ưu đãi.
Chính vì vậy, để theo đuổi các tiêu chí về tiêu chuẩn FSC, các HTX lâm nghiệp phải giải quyết được khó khăn của mình, xây dựng được mô hình HTX theo các định hoạt động theo chuỗi, bảo đảm được tiêu chí phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường gắn với lợi ích xã hội của các bên liên quan.
Theo thời báo kinh doanh