VCA Hà Lan: Hợp tác nâng cao chất lượng quả Thanh Long tại Việt nam

Chiều ngày 12/3, tại Hà Nội, Liên minh HTX Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Peter Prins, Giám đốc dự án thuộc tổ chức Nước và Năng lượng Hà Lan, do đồng chí Nguyễn Đắc Thắng, Phó chủ tịch thường trực Liên minh HTX Việt Nam chủ trì. Hai bên cùng trao đổi về việc khảo sát triển khai dự án nâng cao chất lượng quả thanh long tại Việt Nam, và nâng cao chất lượng quản lý trang trại và xử lý sau thu hoạch để thanh long Việt Nam có thể xuất khẩu sang các thị trường Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.

Phó Chủ tịch thường trực Liên minh HTX Việt Nam – ông Nguyễn Đắc Thắng phát biểu tại buổi làm việc

Tham dự có đại diện các ban tham mưu Liên minh HTX Việt Nam; cùng đại diện của tổ chức MCNV, tổ chức phi chính phủ hoạt động về các lĩnh vực Cải thiện sức khỏe, Tăng cường hòa nhập xã hội, Phát triển sinh kế gắn với thích ứng biến đổi khí hậu, Kinh doanh và Chuỗi giá trị.

Theo đánh giá của ông Peter, hiện nông dân Việt Nam đang có xu hướng chuyển từ sản xuất lúa gạo sang trồng cây thanh long, đặc biệt là khu vực miền Trung, tuy nhiên, quả thanh long là quả nhạy cảm với môi trường xung quanh, lại được trồng tràn lan và chưa có kinh nghiệm nên cây thanh long Việt Nam bị chịu ảnh hưởng nhất định như bênh dịch, chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng do người dân sử dụng nhiều chất bảo quản, thuốc trừ sâu, nên việc xuất khẩu sang thị trường ngoài nước là rất khó khăn.

Ông Peter Prins, Giám đốc dự án thuộc tổ chức nước và năng lượng Hà Lan phát biểu tại buổi làm việc

Ông nhận thấy rằng hiện nay, cần phải nghiên cứu kỹ từ thổ nhưỡng, giống cây trồng, quy trình trồng và chăm sóc cây để có thể vừa tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo được chất lượng thanh long theo đúng tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Ông mong muốn qua dự án này có thể cải thiện chất lượng thanh long theo hướng xây dựng chuỗi, nhằm bảo đảm chất lượng từ giống cây trồng đến khâu bảo quản và xuất khẩu, đặc biệt là việc cải thiện đất trồng và quy chuẩn sử dụng phân bón cho cây. Khi tham gia chuỗi, nông dân, HTX sẽ được chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thanh long từ khâu chăm sóc đất trồng đến khâu thu hoạch, bảo quản sản phẩm và kết nối với thị trường khó tính như Châu Âu, Nhật Bản.

Quang cảnh tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó chủ tịch Nguyễn Đắc Thắng cho biết, dự án nâng cao chất lượng quả Thanh Long tại Việt Nam là rất hữu ích, phù hợp với người dân đang tham gia trồng trọt và tiêu thụ thanh long. Phó chủ tịch cũng đồng tình với quan điểm khi triển khai chuỗi cần quan tâm đến việc nghiên cứu đi liền với sản xuất và tiêu thụ. Hiện nay, trên cả nước có 45.000ha trồng cây thanh long, sản lượng hàng năm đạt 720.000 tấn, tập trung chủ yếu ở Quảng Trị, Long An và Bình Thuận, thống kê ở Bình Thuận có 415 HTX và THT trồng cây thanh long. Liên minh HTX Việt Nam cũng đang triển khai các chuỗi để hỗ trợ HTX phát triển. Nhu cầu xuất khẩu ra thị trường ngoài nước rất cao nhưng sản phẩm lại chưa đáp ứng được với các thị trường khó tính, chính vì vậy cần phải trồng trọt, sản xuất theo chuỗi để đảm bảo quy trình nghiêm ngặt từ quy hoạch thổ nhưỡng đến thị trường tiêu thụ.

Phó chủ tịch Nguyễn Đắc Thắng mong rằng, trong thời gian tới, 2 bên sẽ cùng nhau hợp tác, trao đổi, phối hợp cùng đi khảo sát thực tế để xây dựng lên khung khuôn khổ dự án để cùng thảo luận triển khai dự án xây dựng chuỗi thanh long, cũng như tìm ra những khó khăn vướng mắc mà bà con, HTX đang gặp phải, từ đó giúp cho các HTX định hướng được sản xuất kinh doanh hiệu quả, tăng năng xuất và có thu nhập ổn định, bền vững.

 Trung tâm thông tin HTX Việt Nam