Thực hiện chương trình công tác đã được sự đồng ý của Ban Đối ngoại Trung ương, đoàn đại biểu Việt Nam đã tham dự Đại hội đồng Tổ chức Lao động thế giới (ILO) lần thứ 107 tại Geneve, Thụy Sỹ từ ngày 28/5 – 08/6/2018. Đoàn đại diện Chính phủ Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội bà Nguyễn Thị Hà dẫn đầu; đoàn đại diện cho giới sử dụng lao động là Liên minh Hợp tác xã Việt Nam do ông Nguyễn Đắc Thắng, Phó chủ tịch thường trực và đoàn đại diện cho người lao động là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam do ông Trần Văn Lý, Phó chủ tịch dẫn đầu, tham dự Hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Đắc Thắng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cùng đoàn công tác tham dự Đại hội đồng tổ chức lao động thế giới ILO lần thứ 107
Tham dự Đại hội đồng có trên 5.000 đại biểu của 485 đoàn, trong đó có đại diện chính phủ, tổ chức sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động từ 187 nước thành viên ILO và nhiều tổ chức quốc tế tham dự.
Cuộc họp lần này tập trung vào:
1. Báo cáo của Ủy ban về Áp dụng các Công ước và Khuyến nghị của ILC đã thông qua các kết luận liên quan đến các vấn đề phát sinh trong việc thực hiện thời gian lao động. Thảo luận dựa trên báo cáo hàng năm của Ủy ban các chuyên gia về áp dụng Công ước và Khuyến nghị, Ủy ban này là cơ quan độc lập gồm các chuyên gia luật có trách nhiệm giám sát việc áp dụng Luật, các Công ước và các Khuyến nghị do các nước thành viên của ILO áp dụng. Ủy ban này có sự tham dự của 228 thành viên (115 thành viên Chính phủ, 8 thành viên đại diên tổ chức sử dụng lao động và 105 thành viên đại diện giới lao động), ngoài ra còn có sự tham dự của 33 tổ chức phi chính phủ quốc tế. Ủy ban đã bầu ông Rorix Núñez Morales (Thành viên của Chính phủ) là Chủ tịch. Các Phó chủ tịch: Bà Sonia Regenbogen (thành viên giới sử dụng lao động của Canađa) và ông Marc Leemans (Thành viên tổ chức đại diện người lao động của Bỉ). Ủy ban đã xem xét: (i) Các báo cáo đã phát cho các đại biểu theo điều 22 và 35 của Điều lệ về áp dụng các Công ước đã được phê chuẩn; (ii) Ban lãnh đạo đề nghị có báo cáo theo điều 19 của Điều lệ về các công cụ liên quan đến thời gian làm việc: Công ước về thời gian làm việc (ngành công nghiệp), 1919; Công ước Thời gian nghỉ hàng tuần (ngành công nghiệp), 1921; Công ước thời gian làm việc (ngành thương mại và văn phòng), 1930; Công ước 40 giờ làm việc/tuần, 1935 và 20 Công ước khác. Đây là diễn đàn đối thoại ba bên để ILO xem xét việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và việc thực hiện hệ thống giám sát. Ủy ban đã thông qua các kết luận và các công việc hỗ trợ kỹ thuật để áp dụng các Công ước và Khuyến nghị có sự phối hợp của Văn phòng ILO tại các nước sở tại, đây là những công cụ thiết yếu để hỗ trợ các nước thành viên thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Trong 2 tuần diễn ra hội nghị, Ủy ban đã làm hết sức mình và hiệu quả để đưa ra cuộc đối thoại trên tinh thần xây dựng. Các tổ chức đại diện người lao động nhấn mạnh vào nhiệm vụ giám sát việc áp dụng các tiêu chuẩn của Ủy ban với mục tiêu là thúc đẩy công bằng xã hội, đây là nền tảng của ILO. Các tổ chức đại diện giới sử dụng lao động nhấn mạnh vào việc Ủy ban là trung tâm của hệ thống giám sát các tiêu chuẩn của ILO một cách thường xuyên. Cần có sự đối thoại trực tiếp và thường xuyên giữa Ủy ban áp dụng và Ủy ban các chuyên gia kỹ thuật để tăng cường sự hiểu biết liên quan đến các tiêu chuẩn mà còn đảm bảo rằng Ủy ban các chuyên gia kỹ thuật nắm bắt đầy đủ thực tế và nhu cầu của người sử dụng hệ thống giám sát. Các thành viên kiến nghị những ý kiến phát biểu đóng góp trong cuộc họp sẽ được đưa vào kết luận của Ủy ban và sẽ được gửi đến các văn phòng ILO tại nước sở tại để có những hỗ trợ kỹ thuật cần thiết.
- Hợp tác của ILO trong hỗ trợ phát triển Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Đã 12 năm kể từ khi ILC bàn về vai trò của ILO trong hợp tác kỹ thuật trong đó nổi bật là chương trình việc làm bền vững: Chìa khóa đến với Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc. Với mục tiêu toàn diện của ILO là cung cấp dịch vụ tốt nhất cho các tổ chức thành viên và chuyển tải các kết quả đầu ra của việc làm bền vững ở tất cả các cấp, chiến lược của ILO được xây dựng trên 4 cấu phần:
– Trọng tâm: Tận dụng triệt để các nguồn lực nội tại của ILO để hỗ trợ việc thực hiện SDGs. Nâng cao việc quản lý các nguồn lực kể cả bên ngoài và phân bổ một cách hợp lý để mỗi một mục tiêu sẽ đưa ra được 10 kết quả đầu ra.
– Tính hiệu quả: Tuân thủ các nguyên tắc trong hiệu quả phát triển – định hướng được kết quả, minh bạch và chi phí hiệu quả, tận dụng các đội ngũ chuyên gia tại chỗ, tăng cường sự phân cấp trong hợp tác phát triển của ILO, báo cáo và chia sẻ kinh nghiệm.
– Nâng cao năng lực: Quan điểm này đã được Ban lãnh đạo ILO thông qua vào năm 2013, hoạt động này nhấn mạnh vào nhu cầu nâng cao năng lực của các tổ chức thành viên nhằm chuyển tải nội dung Mục tiêu phát triển bền vững vào các mục tiêu quốc gia, xây dựng kế hoạch triển khai các chiến lược quốc gia để đạt được các mục tiêu này. Trung tâm đào tạo quốc tế của ILO (ITC-ILO) đóng một vai trò chính trong nỗ lực này.
– Huy động các nguồn lực: Duy trì các nguồn lực hiện có bằng cách tăng cường hợp tác với các đối tác tài trợ kể cả nguồn lực quốc gia và khu vực tư nhân.
Chương trình Nghị sự Phát triển Bền vững 2030 (2030 Agenda) khẳng định tầm quan trọng của các công cụ quốc tế liên quan đến quyền con người, các luật pháp quốc tế và lồng ghép việc làm bền vững vào các mục tiêu và mục đích của chương trình. Nhằm đạt được Chương trình 2030, Tổ chức Lao động Quốc tế cần tăng cường sự hiểu biết, công nhận giá trị, nhiệm vụ và các tiêu chuẩn trong hợp tác phát triển và đối tác phát triển. Chương trình này được đưa vào Tuyên bố của ILO về Công bằng Xã hội vì toàn cầu hóa bình đẳng (2008) (Tuyên bố Công bằng xã hội); Tuyên bố toàn cầu về Quyền Con người (1948) và Kế hoạch hành động Buenos Aires vì Thúc đẩy và Thực hiện Hợp tác Kỹ thuật tại các nước đang phát triển (1978). Các Nguyên tắc của Liên hợp quốc về hướng dẫn Kinh doanh và quyền con người (2011); Thỏa thuận Pa-ri về Biến đổi khí hậu (2015) đều công nhân tầm quan trọng của việc làm bền vững.
- Báo cáo của Ủy ban về bạo lực và quấy rối đối với phụ nữ và nam giới trong môi trường làm việc:
Tổng thư ký của Ủy ban khẳng định rằng đây là lần đầu tiên có tiêu chuẩn lao động quốc tế về bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc được đưa ra thảo luận và lấy ý kiến do vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi các cuộc thảo luận đều đưa ra những thách thức và đầy căng thẳng đòi hỏi có sự hợp lực toàn diện trong cơ chế ba bên của ILO. Vấn đề này đã thu hút được sự quan tâm của toàn cầu, những thách thức và khó khăn đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của Chính phủ và cộng đồng. Các cuộc thảo luận của các đại biểu đã chạm đến từng cá nhân hơn là một vấn đề chung chung do vậy chỉ trong một thời gian ngắn các khuyến nghị đã được hoàn thành và hy vọng Ủy ban sẽ đạt được hiệu quả thông qua các cuộc đối thoại và sự cam kết trước và trong quá trình thảo luận lần 2. Tổng thư ký cũng hy vọng thế hệ tương lại một ngày nào đó sẽ chứng kiến Ủy ban này sẽ đưa ra các tiêu chuẩn để xóa bỏ bạo lực và quấy rối trong thế giới việc làm.
Đại hội đồng ILO 107 đã kết thúc tốt đẹp và đã thông qua Khuyến nghị về việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Các Ủy ban chuyên môn đã trình bày báo cáo tại phiên toàn thể.
Trong thời gian dự Hội nghị, đoàn công tác đã kết hợp gặp gỡ, trao đổi và làm việc với Trưởng bộ phận HTX (Coop Unit – ILO) tại Geneve về các chương trình hợp tác tại Việt Nam trong đó có việc tiếp tục biên soạn tài liệu Mycoop và giảng dạy giáo trình này tại Việt Nam trong thời gian qua và kế hoạch nhân rộng tại Việt Nam trong thời gian tới.
Trần Thu Hằng
Phụ trách Ban Hợp tác quốc tế