Khảo sát mô hình chuỗi giá trị tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên

Từ ngày 23 đến 28/5/2018, Tổ công tác số 5 và số 6 do đồng chí Lê Văn Nghị, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam làm tổ trưởng đã đi khảo sát, đánh giá, thẩm định các mô hình HTX xây dựng chuỗi giá trị tại các tỉnh, thành phố Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Bình Định và Đà Nẵng.

Phó Chủ tịch Lê Văn Nghị cùng đoàn công tác làm việc cùng HTX nông lâm nghiệp Yang Nam

Tham gia cùng đoàn có đồng chí Vũ Quang Phong, Tổng Giám đốc Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường làm tổ phó cùng các đồng chí đại diện Quỹ tín dụng, Trường Trung cấp Nghề kinh tế Kỹ thuật khu vực miền Trung-Tây Nguyên và Trung tâm Hỗ trợ phát triển HTX, DNN&V khu vực miền Trung – Tây Nguyên (đơn vị trực thuộc Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường).

Tổ công tác đã tiến hành thẩm định tài liệu, hồ sơ, kết quả sản xuất kinh doanh và các đề xuất hỗ trợ có phù hợp tiêu chí, tiêu chuẩn theo Quyết định 88/QĐ-LMHTXVN của Liên minh HTX Việt Nam.

Ngày 23/5, tại tỉnh Kon Tum, Tổ công tác khảo sát, thẩm định HTX nông nghiệp và sản xuất thương mại Sáu Nhung chuyên về sản xuất, chế biến, kinh doanh nông lâm sản, cụ thể là chuỗi giá trị về cà phê. HTX được thành lập vào năm 2012 với 9 thành viên chính thức và 104 hộ thành viên liên kết, sản xuất 300ha cà phê được chăm sóc theo quy trình cà phê sạch. HTX Sáu Nhung đã thực hiện chuỗi giá trị cà phê khép kín từ khâu sản xuất, chế biến, đóng gói và xây dựng thương hiệu cà phê bột. HTX cũng đã xây dựng được chuỗi cửa hàng mini kinh doanh cà phê trên địa bàn huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum.

Chiều cùng ngày, Tổ công tác khảo sát, thẩm định HTX nông nghiệp Ánh Dương (huyện Kon Plong). Đây là HTX thuộc diện 30A, được thành lập vào cuối năm 2016, có 8 thành viên đang sản xuất 30 ha chuối trên. Thị trường tiêu thụ không ổn định, chủ yếu bán cho thương lái các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. HTX Nông nghiệp Ánh Dương có vị trí đất đai khá bằng phẳng, khí hậu thuận lợi cho việc phát triển các loại rau củ quả an toàn, do đó đồng chí Lê Văn Nghị đã tư vấn, định hướng cho ban lãnh đạo HTX bên cạnh trồng chuối nên sản xuất thêm các loại rau ăn lá, củ quả theo tiêu chuẩn VietGap, liên kết với các chợ đầu mối tại TPHCM để tiêu thụ sản phẩm.

Đoàn công tác làm việc cùng HTX nông nghiệp Tân Tiến

Ngày 24/5, tại tỉnh Gia Lai, Tổ công tác đã thăm và làm việc với HTX nông lâm nghiệp Yang Nam (huyện Kông Chro) và HTX nông nghiệp Tân Tiến (huyện Ia Pa). Đây là 02 HTX thuộc diện 30A, thực hiện chuỗi giá trị phát triển cây mía. Năm 2017, HTX nông lâm nghiệp Yang Nam đạt doanh thu 16,2 tỷ đồng, ký kết hợp đồng với nhà máy đường An Khê tiêu thụ 24.000 tấn mía cho thành viên. Tuy nhiên, ngành mía đường hiện nay đang rơi vào khó khăn nên việc tiêu thụ mía của HTX nông lâm nghiệp Yang Nam cũng bấp bênh.

HTX nông nghiệp Tân Tiến mới thành lập vào cuối năm 2017, triển khai hoạt động từ đầu năm 2018, thực hiện các dịch vụ như trồng, chăm sóc, thu hoạch và vận chuyển mía. 5 tháng đầu năm doanh thu của HTX đạt 6 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 1,5 tỷ đồng. Bên cạnh 24 ha diện tích cây mía, HTX đang sản xuất thêm các loại cây dược liệu như đinh lăng, hà thủ ô…HTX nông nghiệp Tân Tiến là mô hình HTX kiểu mới làm ăn có hiệu quả kinh tế cao, hỗ trợ dịch vụ cho thành viên rất tốt.

Ngày 25/5, tại tỉnh Phú Yên, Tổ công tác đã làm việc với HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa). HTX được thành lập từ năm 1979, chuyển đổi theo Luật HTX 2012 vào năm 2015. Hiện nay, HTX có 1998 hộ thành viên, thực hiện các dịch vụ đầu vào sản xuất nông nghiệp; trồng sen và nuôi chim cút. HTX có 300 hộ thành viên nuôi chim cút với tổng đàn 500.000 con, trong đó có câu lạc bộ nuôi chim cút với 30 hộ thành viên nuôi 300.000 con. Mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng 1 triệu trứng chim cút chủ yếu bán cho thương lái đổ về chợ đầu mối các tỉnh phía Bắc và phía Nam. Chim cút Đông Hòa có thương hiệu từ lâu là một lợi thế để HTX nông nghiệp Hòa Hiệp Bắc phát triển sản phẩm từ chim cút như trứng cút, thịt chim cút. Tổ công tác đã tư vấn, định hướng cho HTX nên thực hiện chăn nuôi đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, có đóng gói, nhãn mác, đăng ký bảo hộ thương hiệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm….

Đoàn công tác thăm quan mô hình chuyển đổi lúa sang trồng sen tại Phú Yên

HTX muối Tuyết Diêm tại xã Xuân Bình thị xã Sông Cầu chuyên sản xuất, kinh doanh muối. Hiện nay, HTX có 850 hộ thành viên, sản xuất trên 121 ha, sản lượng đạt 12.000 đến 15.000 tấn/ năm, trong đó có 400 tấn muối sạch được sản xuất trên bạt. Giá trị muối trải bạt cao hơn muối đất 30% giá. HTX hướng đến mở rộng diện tích sản xuất muối sạch để nâng cao chất lượng và giá bán. Tuy nhiên, hiện nay muối vẫn chưa có thị trường đầu ra ổn định, chủ yếu bán cho tư thương nên bị ép giá. Tổ công tác thẩm định và thống nhất hỗ trợ HTX sản xuất 3 ha muối trải bạt, hỗ trợ xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm, đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ HTX…

Ngày 26/5, tại tỉnh Bình Định, Tổ công tác đã khảo sát HTX dịch vụ tổng hợp Cát Tài (huyện Phù Cát). HTX có diện tích 150 ha sản xuất cây lạc L14. HTX đã chủ động liên kết với công ty thực phẩm Tất Thắng (Đăk Lăk), công ty Biffa (Bình Định), Công ty cổ phần sản xuất và XNK Quang Dũng (khu kinh tế Nhơn Hôi – Quy Nhơn) bao tiêu đầu ra ổn định cho bà con nông dân. Năng suất giống lạc L14 trung bình đạt 96 tạ/ ha diện tích sản xuất. Để giúp cho HTX phát triển chuỗi giá trị cây lạc mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân, Liên minh HTX Việt Nam cam kết hỗ trợ HTX đầu tư mua máy thu hoạch lạc; tư vấn định hướng chế biến sâu các sản phẩm từ lạc như dầu lạc, kẹo lạc các loại bánh từ lạc; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đóng gói bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ xúc tiến thương mại…

Bên cạnh chuỗi giá trị lạc, tỉnh Bình Định còn phát triển chuỗi giá trị sản phẩm từ dừa của HTX nông nghiệp Ngọc An. HTX đã thực hiện chế biến sâu các sản phẩm từ quả dừa như dầu dừa tinh khiết, bánh tráng dừa. Hiện nay, trên địa bàn xã Hoài Thanh Tây có 150 ha đất trồng dừa, trong đó có 130 ha đất dừa đang cho thu hoạch. Dừa Tam Quan được trồng trên đất cát pha, có tính axit nên cho ra sản phẩm dầu dừa chất lượng tốt nhất cả nước. HTX đã đầu tư hệ thống máy bóc vỏ, tách cùi và chế biến dầu dừa theo công nghệ ép lạnh đảm bảo chất lượng tốt nhất. HTX có định hướng sẽ chế biến đa dạng các sản phẩm từ dừa như kẹo dừa, sữa dừa và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ sợi dừa, gáo dừa. Tham gia xây dựng chuỗi giá trị, Liên minh HTX Việt Nam sẽ hỗ trợ HTX mua máy hái dừa, hỗ trợ xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm tìm đầu ra ổn định…

Đoàn công tác thăm mô hình rau củ quả công nghệ cao tại Đà Nẵng

Ngày 28/5, tại thành phố Đà Nẵng, Tổ công tác đã làm việc với HTX mây tre đan An Khê (Quận Thanh Khê). HTX được thành lập năm 1978, thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX 2012 vào năm 20014. HTX có 41 thành viên sử dụng 200 lao động tại chỗ và vệ tinh tham gia sản xuất cho HTX khoảng 150 người. HTX sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, nội thất song mây xuất khẩu…Doanh thu năm 2017 của HTX đạt 20,8 tỷ đồng trong đó giá trị xuất khẩu đạt 488 ngàn USD. Tham gia chuỗi giá trị, HTX đầu tư mua máy nâng hàng, máy chà mây, máy chẻ, máy vuốt và nhà kho sấy nguyên liệu…

Qua làm việc tại 5 tỉnh, Tổ công tác đã thẩm định kỹ các điều kiện, tiêu chí, tiêu chuẩn theo Quyết định số 88/QĐ-LMHTXVN, có 9 HTX đủ điều kiện được hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm. Liên minh HTX Việt Nam sẽ triển khai các hạng mục hỗ trợ theo quy định như: hỗ trợ không hoàn lại cho mua sắm máy móc, thiết bị sản xuất; vay vốn từ Quỹ tín dụng Trung ương đầu tư tài sản cố định; hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xúc tiến thương mại; hỗ trợ các văn bản pháp lý phục vụ cho phát triển HTX.

Trần Hiền (Trung tâm thông tin HTX Việt Nam)