Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp tại HTX nông nghiệp Huyền Tụng (Tp.Bắc Kạn) được xem là hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng hiệu quả kinh tế, góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường (BVMT).
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC là lĩnh vực đòi hỏi đầu tư lớn, kỹ thuật canh tác cần có nhân lực kỹ thuật cao… Mặc dù gặp không ít khó khăn do diện tích đồi núi, nhưng HTX Huyền Tụng vẫn luôn nỗ lực vào công cuộc phát triển mô hình này.
Chìa khóa mở tiềm năng
Theo Ban giám đốc HTX, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC của HTX đến nay có chuyển biến tích cực và từng bước phát huy lợi thế đặc thù của địa phương.
HTX đang phát triển 3 mô hình gồm sản xuất rau ăn quả trên hệ thống thủy canh bán tuần hoàn (792 m2); sản xuất rau trong nhà mái che (720 m2) và sản xuất rau ngoài đồng, trồng trái vụ dưới vòm che thấp (2.000 m2).
Muốn phát triển nông nghiệp CNC không còn cách nào khác là phải áp dụng KH-CN vào mọi khâu sản xuất. Chính vì vậy, ngoài cơ giới hóa, trong quá trình chăm sóc, các côn trùng như sâu, châu chấu, bọ hại… được bắt bằng tay hoặc bằng vợt, hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).
Hệ thống nhà lưới được thiết kế phù hợp với diện tích canh tác, mái vòm hở, hệ thống nước tưới nhỏ giọt và toàn bộ quạt thông gió giúp điều chỉnh, cân bằng nhiệt độ thích hợp khi thời tiết thay đổi đã giúp cây trồng phát triển tốt.
Với ưu điểm tạo được môi trường tốt cho rau sinh trưởng và phát triển, ít chịu tác động của thời tiết nên sản lượng và chất lượng sản phẩm rau của HTX được đánh giá cao.
Diện tích rau trái vụ dưới vòm che thấp, cứ trong 1 tháng sẽ cho thu hoạch 1 lần, với thu nhập trung bình là 63 triệu đồng.
Diện tích rau ăn quả trên hệ thống thủy canh cho thu nhập trung bình 400 triệu đồng, còn diện tích rau trong nhà mái che cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Các sản phẩm sản xuất ra đều bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, được các cơ quan chứng nhận.
Hiện, HTX đang được Tp.Bắc Kạn hỗ trợ bố trí địa điểm giới thiệu sản phẩm. Sở KH-CN hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, bao bì nên đầu ra đã được khơi thông.
Ứng dụng các tiến bộ KH-KT nói chung và CNC nói riêng vào sản xuất rau đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác. Mô hình sản xuất của HTX đã giúp người dân từng bước tiếp cận với các công nghệ sản xuất hiện đại.
Mô hình sản xuất của HTX được xem là chìa khóa mở “tiềm năng xanh” địa phương. Từ đây, các cấp ngành sẽ nhân rộng nhiều mô hình sản xuất theo hướng CNC, từ đó thúc đẩy hoạt động liên kết, ứng dụng, đổi mới, chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp để hướng đến sản xuất bền vững.
Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC của HTX |
Xây dựng môi trường sạch
Cách sản xuất rau tại HTX Huyền Tụng là một trong những cách làm mới trên địa bàn tỉnh, giúp giảm đến 80% nhân công và đặc biệt sâu bệnh rất ít xuất hiện. Các thành viên và người lao động được làm việc trong môi trường sạch, an toàn, không lo mưa nắng.
Với việc áp dụng sản xuất rau CNC giúp các thành viên HTX kiểm soát được lượng phân bón, nước tưới cũng như tình hình sâu bệnh. Phân bón chủ yếu là phân vi sinh nên không tồn dư thuốc BVTV và vẫn bảo đảm chất lượng, màu sắc của sản phẩm, trọng lượng đồng đều.
Hoạt động sản xuất của HTX còn giúp địa phương kiểm soát việc lưu hành và sử dụng những loại thuốc BVTV không có trong danh mục cho phép, vì quá trình sản xuất chủ yếu sử dụng phân sinh học và ứng dụng rộng rãi công nghệ IPM.
Điểm nổi bật ở đây là người trồng đã được trang bị kiến thức về quy trình kỹ thuật trồng rau CNC. Việc chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh phải đúng yêu cầu kỹ thuật. Đặc biệt là ý thức BVMT đã được hình thành.
Sản phẩm của HTX đáp ứng nhu cầu thị trường, được người tiêu dùng đón nhận, tiêu thụ mạnh đã cho thấy phát triển trồng trọt gắn với BVMT là xu hướng tất yếu cần nhân rộng. Với một tỉnh lấy sản xuất nông nghiệp làm đầu như Bắc Kạn, thì điều đó càng quan trọng.
Như Yến
Theo Thời báo kinh doanh