Thu hái chè tại HTX Chè Suối Giành, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Ngọc Trúc)

Những năm gần đây, tỉnh Yên Bái đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể theo hướng vừa tập trung vào những khâu đột phá để tạo tăng trưởng nhanh, đồng thời vừa chú trọng việc an sinh xã hội, phát triển bền vững. Phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác theo đúng bản chất, nguyên tắc và giá trị của hợp tác xã, tổ hợp tác để thực sự trở thành chỗ dựa vững chắc cho kinh tế hộ, kinh tế trang trại, kinh tế tư nhân, người lao động nhằm phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo đó, Yên Bái chú trọng khắc phục những hạn chế, yếu kém; phát triển đa dạng các loại hình hợp tác xã, tổ hợp tác trong mọi lĩnh vực; tập trung phát triển hợp tác xã nông nghiệp đa ngành nghề gắn với các vùng nguyên liệu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, hỗ trợ nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh gắn với nhu cầu, lợi ích của các thành viên; tăng cường liên kết, nâng cao chất lượng chuỗi giá trị sản phẩm. Phát triển kinh tế tập thể với tốc độ tăng trưởng hợp lý, tham gia cùng với các thành phần kinh tế khác trong tỉnh phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh đề ra.

Được biết, mục tiêu của Yên Bái là đến năm 2019, toàn tỉnh sẽ có 322 HTX với số lượng thành viên trên 25.760 người, số lao động thường xuyên trong HTX là trên 7.300 người; trong đó có 40 HTX thành lập mới trong năm 2019; khuyến khích các HTX xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực, hỗ trợ tích cực cho kinh tế hộ phát triển. Phấn đấu doanh thu bình quân đạt trên 3.370 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của người lao động là 48 triệu đồng/năm; tỉ lệ cán bộ HTX đạt trình độ sơ, trung cấp, cao đẳng, đại học đạt trên 60% so với tổng cán bộ quản lý của HTX. Đảm bảo giữ vững tỷ lệ HTX hoạt động ổn định, có hiệu quả đạt trên 75%.

Để sớm hiện thực hóa các mục tiêu trên, thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ thực hiện triển khai nhiều chính sách nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho các hợp tác xã. Cụ thể, đối với những hợp tác xã đang sử dụng đất nhưng chưa được thuê đất, tỉnh sẽ tạo điều kiện trong việc cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo đúng quy định của pháp luật về đất đai. Đối với các hợp tác xã thành lập mới, hợp tác xã đang hoạt động chưa có đất phải chủ động đăng ký nhu cầu sử dụng đất theo quy định. Riêng đối với các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp thực hiện miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định hiện hành.

Tỉnh Yên Bái cũng sẽ bồi dưỡng nâng cao năng lực đối với cán bộ quản lý và thành viên hợp tác xã. Đồng thời thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học về làm việc có thời hạn ở hợp tác xã.

Đặc biệt, tuy điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng hàng năm, ngoài kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỉnh Yên Bái sẽ dành một phần kinh phí từ Chương trình xúc tiến thương mại, Chương trình thương mại điện tử giai đoạn 2016 – 2020 để ưu tiên hỗ trợ các HTX  tham gia triển lãm trong và ngoài nước, tổ chức các hội chợ, triển lãm cho khu vực HTX; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa và một phần kinh phí từ nguồn sự nghiệp khoa học và khuyến công để ưu tiên hỗ trợ các HTX trong ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ./.

Theo báo ĐCSVN