HTX Kiến Thuận: Doanh thu 30 tỷ đồng từ cây chè

HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận (Văn Chấn, Yên Bái) đang tạo việc làm ổn định cho 80 – 100 lao động trong nhà máy và hàng ngàn lao động trồng chè tại địa phương. Trong đó, phần lớn lao động là người dân tộc thiểu số, sau khi tốt nghiệp THPT không có điều kiện học chuyên nghiệp, không có việc làm.

Chè là 1 trong 4 loại cây được Yên Bái xác định là cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp. Không những trở thành cây xóa đói, giảm nghèo, ngành sản xuất, chế biến chè còn đem lại giá trị cao, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Tiên phong trong thoái trào

Những năm gần đây, diện tích chè tỉnh Yên Bái liên tục giảm. Năm 2010, tổng diện tích chè của Yên Bái là 11.899 ha, trong đó có 11.185 ha cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 76,8 tấn/ha. Đến năm 2017, diện tích chè giảm sâu còn 8.510 ha với năng suất đạt 8,9 tấn/ha và sản lượng chè búp tươi khoảng 70.000 tấn, giá trị sản phẩm chè tươi mới đạt gần 300 tỷ đồng.

Chưa đầy 10 năm mà diện tích chè trên địa bàn tỉnh đã giảm 3.389 ha. Đây là con số báo động về sự suy tàn của vùng chè Yên Bái cả về diện tích và chất lượng, khiến người dân trồng chè đứng trước muôn vàn khó khăn.

Nguyên dân dẫn đến tình trạng trên được cho là do xây dựng ồ ạt các nhà máy chè và hàng ngàn nông hộ tham gia chế biến chè bằng các thùng chè quay tay, dẫn tới sự mất cân đối giữa vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến.

Mối liên kết giữa cơ sở chế biến và người trồng chè hết sức lỏng lẻo, trên 80% số đơn vị chế biến không có vùng nguyên liệu ổn định và không có chính sách đầu tư cho vùng nguyên liệu.

Từ đó xảy ra tình trạng cạnh tranh mua bán nguyên liệu, làm mất uy tín, dẫn đến nhiều hộ nông dân phải phá bỏ những đồi chè để trồng những cây trồng khác.

Trong xu hướng chung của vùng chè Yên Bái những năm đầu phát động phong trào, HTX Kiến Thuận được thành lập để sản xuất và một phần chế biến sản phẩm chè. Tuy nhiên khi bước vào thoái trào, HTX lại lựa chọn con đường khác với các hộ nông dân trên địa bàn để có chỗ đứng trên thị trường.

Được sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh, cũng như Liên minh HTX Việt Nam, HTX đã “tiên phong” trong thực hiện liên kết chuỗi, tiến hành ký hợp đồng cung cấp dịch vụ và bao tiêu sản phẩm cho các thành viên, hộ liên kết sau đó chế biến và đưa ra thị trường chè thương phẩm.

Ông Đỗ Văn Lừng – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Kiến Thuận, cho biết hiện HTX đang sản xuất 9 sản phẩm từ chè và một số loại phế liệu từ chè.

HTX-Kien-Thuan-JPG-7247-1539707501.jpg

Khu chế biến chè của HTX Kiến Thuận

Hỗ trợ người dân trồng chè

Sau khi chuyển đổi và tham gia vào mô hình liên kết chuỗi, Kiến Thuận ký hợp đồng cung cấp dịch vụ và bao tiêu sản phẩm cho 54 thành viên và 35 hộ liên kết. Các hộ thành viên và liên kết được HTX hoạch định chiến lược phát triển, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu đầu ra với giá cao hơn giá thị trường 300 – 500 đồng/kg. Cuối năm, dựa trên hiệu quả xuất khẩu, HTX sẽ hỗ trợ người dân 150.000 – 300.000 đồng/hộ/tháng.

Tính đến tháng 9/2018, tổng diện tích vùng nguyên liệu của HTX đạt 221 ha và đang liên tục gia tăng theo từng năm. Hiện HTX có 2 nhà máy với 2 dây chuyền sản xuất chè đen ORTODOC công suất 30 tấn chè búp tươi/ngày. 1 dây chuyền chế biến chè xanh công suất 10 tấn/ngày, 5 xe vận tải kinh doanh vận tải hàng hóa.

Trong đó, máy tách màu ISORT 4GT ((Tea color sorter) sản xuất tại Hàn Quốc năm 2016 được HTX mua giá trên 3 tỷ đồng có công suất hoạt động từ 500 đến 700 kg thành phẩm/giờ (tùy theo nguyên liệu và lượng tạp chất đầu vào).

Đây là loại máy tách màu chè có nhiều tính năng vượt trội so với các loại máy tách màu thông thường hiện có mặt trên thị trường Việt Nam, giúp tăng khả năng sản xuất. HTX còn thu mua chè đã qua sơ chế của các đơn vị khác, sau đó sàng phân loại, chế biến và đóng gói đưa đi tiêu thụ.

Hiện sản phẩm chè của HTX ngoài cung cấp cho thị trường trong nước còn xuất khẩu sang các nước như Liên bang Nga, Mỹ… Doanh thu hằng năm của HTX đạt khoảng 30 tỷ đồng.

HTX đang tạo công ăn việc làm ổn định cho 80 – 100 lao động trong nhà máy và hàng ngàn lao động trồng chè tại địa phương, đặc biệt lao động là các cháu học sinh sau khi tốt nghiệp THPT không có điều kiện học chuyên nghiệp, không có việc làm đa phần là người dân tộc thiểu số với mức thu nhập ổn định 6 – 8 triệu đồng/người/tháng.

Theo thời báo kinh doanh

Tin liên quan