Toàn tỉnh Quảng Trị có khoảng 344 HTX, trong đó có 304 HTX nông nghiệp, 11 HTX công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, 5 HTX xây dựng, 11 HTX tín dụng, 10 HTX vận tải và 3 loại hình HTX khác với tổng số thành viên 99.000 người.
Huyện miền núi Vĩnh Linh (Quảng Trị) là vùng đất tiêu biểu cho bức tranh nghèo ở Quảng Trị. Vĩnh Linh vẫn là một trong những miền quê nghèo khó nhất so với các vùng miền trong cả nước. Đặc biệt, với dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc Vân Kiều, còn có tới 285/368 hộ nghèo, chiếm 77%. Mức thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 4 triệu đồng/năm. Hoạt động sản xuất vẫn chủ yếu là tự cung tự cấp.
Tổ công tác bàn giao thiết bị hỗ trợ cho HTX NN Cổ Mỹ
Năm 2018, Liên minh HTX Việt Nam triển khai thực hiện Đề án xây dựng mô hình HTX phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị trên cả nước. Tại Quảng Trị, Tổ công tác Viện phát triển Kinh tế Hợp tác Việt Nam cùng với Liên minh HTX tỉnh Quảng Trị, các cấp chính quyền đã tiến hành khảo sát và lựa chọn HTX NN Cổ Mỹ (Vĩnh Lĩnh).
Huyện Vĩnh Linh có điều kiện đất đỏ bazan chiếm 50% diện tích để phát triển cây công nghiệp có giá trị như cao su, hồ tiêu. Huyện có bờ biển dài 10km. Đây là hướng HTX NN Cổ Mỹ phát triển đa dạng sản xuất nông nghiệp.
HTX Nông nghiệp Cổ Mỹ, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị có 240 thành viên, đã chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 vào tháng 11/2015; có 293ha diện tích tự nhiên 40ha, sản xuất lúa một vụ còn một vụ trồng cây đậu xanh tằm bản địa, có giá trị cao và đã có thương hiệu “Đậu xanh tằm Vĩnh Giang”.
HTX có tổng nguồn vốn: 2.459.402.778 đồng, nguồn vốn do thành viên góp 120.000.000 đồng; doanh thu 1 năm: 1.470.000.000 đồng; lợi nhuận 195.000.000 đồng/năm.
HTX chủ yếu sản xuất đậu xanh tằm, hạt tiêu khô, sản xuất lúa; HTX đã làm tốt công tác cung ứng đầu vào các loại vật tư cho sản xuất nông nghiệp, ổn định trong sản xuất kinh doanh; Tiêu thụ sản phẩm làm ra cho thành viên 100%.
Sản phẩm cây đậu xanh của HTX
HTX có điều kiện phát triển nông nghiệp toàn diện đa cây đa con, phát triển cây đậu xanh tằm của HTX 40ha. Đậu xanh tằm là cây bản địa, có chất lượng, dinh dưỡng cao được canh tác theo hướng tự nhiên. Nhu cầu xã hội ngày càng yêu cầu thực phẩm sạch do đó đậu xanh tằm đang có cơ hội về thị trường ngày càng lớn. HTX là thu mua toàn bộ sản lượng đậu xanh của thành viên HTX và toàn xã đạt tiêu chuẩn sau đó sơ chế, đóng gói theo tiêu chuẩn, mẫu mã, trọng lượng, nhãn mác truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ.
Tuy nhiên, HTX còn nhiều khó khăn, do cơ sở sản xuất và máy móc thiết bị chưa có, thiếu đồng bộ nên việc tiếp cận thị trường còn hạn chế. Nguồn vốn HTX còn thiếu nên việc tích trữ hàng còn hạn chế; điều kiện tự nhiên khắc nghiệt ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Trong khuôn khổ thực hiện Đề án hỗ trợ xây dưng HTX phát triển sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm của Liên minh HTX Việt Nam. Viện phát triển Kinh tế Hợp tác Việt Nam phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Quảng Trị và các cấp chính quyền thực hiện tư vấn, hỗ trợ HTX NN Cổ Mỹ tổ chức xây dựng phương án, hỗ trợ thiết bị, công nghệ sản xuất kinh doanh (máy đóng gói dạng hạt; máy ép túi nilon; máy in nhãn mác; máy tính; giấy DECAL (2 cuộn); hỗ trợ nâng cấp nhà xưởng và kho hàng cũ (nhà 50m2 cấp 4)) với mục tiêu tư vấn, hỗ trợ hiệu quả tổ chức và hoạt động của HTX phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập của thành viên, góp phần giải quyết việc làm, phát triển nghề địa phương và giảm nghèo bền vững cho các thành viên HTX.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Chẩn- Giám đốc HTX cho biết: với lợi thế sản phẩm đậu xanh đã có thương hiệu, khi được Liên minh HTX Việt Nam đầu tư hỗ trợ máy móc, kho xưởng để sơ chế, bảo quản. Hạt đậu xanh sẽ có giá trị hơn, sẽ tăng thu nhập và lợi nhuận cho thành viên cũng như HTX, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Trung tâm Thông tin HTX Việt Nam (Vicocen)