Hội nghị Bộ trưởng châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 10: Đẩy mạnh kết nối HTX hội nhập sâu rộng khu vực

 

Phát biểu với Hội nghị Bộ trưởng HTX khu vực châu Á – Thái Bình Dương (TBD), Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khuyến nghị, các quốc gia và tổ chức đại diện HTX trong khu vực cần hỗ trợ đẩy mạnh kết nối HTX hội nhập sâu rộng, tăng cường năng lực cạnh tranh, sáng tạo và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Chủ tịch ICA-AP Li Chun Sheng đọc diễn văn khai mạc hội nghị

Ngày 18/4, với chủ đề “Tầm nhìn đến năm 2030: Tăng cường sự hỗ trợ và hợp tác hơn nữa giữa Chính phủ với khu vực HTX để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”, Hội nghị Bộ trưởng HTX khu vực châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 10 đã long trọng khai mạc tại Hà Nội.

Đóng góp thiết thực của Việt Nam

Phát biểu chào mừng Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh, Việt Nam vinh dự là nước đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng HTX khu vực châu Á – TBD lần thứ 10. Với thế và lực sau 30 năm đổi mới, đây là lúc Việt Nam có thể đóng góp thiết thực hơn nữa cho phong trào HTX khu vực châu Á – TBD, mang lại nhiều lợi ích cho HTX và người dân.

Việt Nam là quốc gia đang phát triển, Đảng và Nhà nước Việt Nam rất quan tâm hỗ trợ phát triển của khu vực kinh tế hợp tác (KTHT), nòng cốt HTX. Tại thời điểm quốc tế và khu vực có nhiều biến động, HTX được xem là một trong những đối tác quan trọng để đạt được mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc đề ra, đó là HTX thúc đẩy dân chủ, thực hiện gắn kết xã hội và quan tâm đến môi trường.

Phó Chủ tịch nước nói: “Tôi cho rằng Liên minh HTX Quốc tế khu vực châu Á – TBD (ICA-AP) cần tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách hiện nay thông qua đẩy mạnh hợp tác và tầm nhìn dài hạn. Chúng ta đang đứng trước vận hội mới để tăng cường hợp tác ICA-AP nhằm mang lại lợi ích cho mọi nền kinh tế, cho các HTX và người dân”.

Theo đó, Phó Chủ tịch nước chia sẻ 5 khuyến nghị cụ thể với ICA-AP. Trước tiên cần thúc đẩy KTHT, HTX tăng trưởng bền vững, giữ vững bản chất tốt đẹp và nhân văn của HTX. Cần đẩy mạnh hỗ trợ HTX kết nối và hội nhập khu vực sâu rộng. ICA-AP hỗ trợ các HTX tăng cường năng lực cạnh tranh, sáng tạo và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Trong xu thế biến đổi khí hậu chưa từng có, ICA-AP cần định hướng tăng cường an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững, đồng thời tăng cường vai trò là cơ chế khởi xướng ý tưởng và động lực cho tăng trưởng kinh tế và hội nhập.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chào mừng hội nghị

Tăng cường hỗ trợ HTX

Trong bài diễn văn khai mạc, ông Li Chun Sheng – Chủ tịch ICA-AP, đã nhấn mạnh, việc tăng cường hỗ trợ phát triển, tạo vốn, việc làm cho HTX chính là đóng góp cho sự phát triển HTX bền vững. Đó cũng là mục tiêu của Liên Hợp quốc đã đặt ra cho tổ chức ICA-AP, đồng thời đặt ra cho các quốc gia và người dân trong khu vực để tăng cường hợp tác hỗ trợ khu vực HTX vượt qua khó khăn, phát triển bền vững.

Ông Li Chun Sheng cho rằng, Hội nghị được tổ chức là nền tảng cùng nhau hỗ trợ thúc đẩy HTX, giải quyết các vấn đề chung, hướng tới tăng cường hợp tác giữa các Chính phủ để đạt mục tiêu Thiên niên kỷ đặt ra.

Đây là thời điểm quan trọng để các tổ chức tương hỗ và các HTX chuyển mạnh sang hướng hợp tác phát triển cùng nâng cao hiệu quả hoạt động và cùng chia sẻ lợi ích. Ở các quốc gia trong khu vực, các HTX đang nỗ lực kết nối, liên kết với nhau. Trên nền tảng ý thức chung, các cấp quản lý ở các quốc gia đặt mình vào vị trí trong cuộc để thấu hiểu, hỗ trợ cho HTX và các phong trào chung phát triển HTX.

Sau khi đánh giá cao Liên minh HTX Việt Nam, ông Li Chun Sheng nói: “Tôi tin Hội nghị lần thứ 10 hiện thực hóa cụ thể các mục tiêu phát triển HTX. Để đạt được kết quả thành công đó, Hội nghị cần thảo luận cách tham vấn hoạch định chính sách hỗ trợ HTX, tăng cường mạnh mẽ hơn nữa cho sự phát triển HTX trong khu vực. Chúng ta không chỉ tăng cường xây dựng các mục tiêu phát triển HTX, mà còn hướng tới tăng niềm tin trong đại chúng xã hội để thúc đẩy phát triển HTX”.

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Võ Kim Cự phát biểu cảm ơn

Mục tiêu cao cả của Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, ông Võ Kim Cự – Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cho biết ở Việt Nam, trải qua hơn 70 năm hình thành và phát triển, phong trào HTX dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quan tâm của Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các ban, bộ, ngành và cả hệ thống chính trị các cấp, khu vực HTX đã không ngừng được xây dựng, củng cố, đổi mới và phát triển phù hợp với điều kiện của từng giai đoạn cách mạng của đất nước.

Hiện nay, Việt Nam có hơn 150.000 THT, 20.000 HTX và 50 Liên hiệp HTX ở hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, đóng góp rất lớn vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường bền vững ở Việt Nam.

Chủ tịch Võ Kim Cự cho rằng, quá trình toàn cầu hóa tiếp tục phát triển sâu rộng, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, phản ánh đòi hỏi bức xúc của các quốc gia, dân tộc trong quá trình phát triển, thế giới tiếp tục chứng kiến nhiều biến đổi phức tạp, khó lường.

Tại kỳ họp lần thứ 70, ngày 26/9/2015, Đại hội thông qua Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững với 17 mục tiêu là chấm dứt đói nghèo, bảo vệ môi trường và đảm bảo sự thịnh vượng cho tất cả mọi người vào năm 2030. HTX được xem là một trong những đối tác quan trọng để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc đề ra, là hạt nhân thúc đẩy dân chủ, hợp tác, thực hiện gắn kết xã hội và quan tâm đến môi trường.

Từ đó, Chủ tịch Võ Kim Cự nhấn mạnh: “Hội nghị Bộ trưởng HTX các nước khu vực châu Á – TBD lần này có nhiệm vụ hết sức quan trọng trong việc cụ thể hóa hành động của các quốc gia trong khu vực nhằm thực hiện có hiệu quả 17 mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững tới năm 2030. Liên minh HTX Việt Nam sẽ là thành viên tích cực và có trách nhiệm cùng với Liên minh HTX các nước trong khu vực và trên thế giới góp phần thực hiện các mục tiêu cao cả này”.

Trong ngày 18/4, Hội nghị đã hoàn thành 3 phiên họp chính thức. Ngoài phiên khai mạc, Hội nghị đã thảo luận phiên 1 về lộ trình 2030 – Chương trình ICA và các mục tiêu phát triển bền vững. Phiên thứ 2 về vai trò HTX như những nhà sản xuất và người tiêu dùng để đảm bảo chủ quyền lương thực.

Lưu Đoàn

Tag