Ra quân xây dựng HTX gắn với chuỗi ở Thái Nguyên

Ngày 6/3, Đoàn công tác Liên minh HTX Việt Nam do Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo và Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh dẫn đầu đã đi khảo sát tìm hiểu ba HTX ở tỉnh Thái Nguyên, khởi đầu chương trình ra quân đầu Xuân tỏa đi địa phương xây dựng mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm.

Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên đã thống nhất chọn hai HTX để tham gia đề án xây dựng mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị, đó là HTX Gà đồi Đông Thịnh (huyện Phú Bình) và HTX Chè Tân Hương (Tp.Thái Nguyên).

Ngoài ra, Đoàn còn đến thăm HTX Chè Hảo Đạt để tìm hiểu những khả năng có thể đưa cây chè thành cây đặc sản chủ lực trên xứ sở chè Thái.

Những cái khó riêng chung 

Huyện Phú Bình chủ yếu đất đồi rừng, có 255 trang trại, gia trại trong tổng số 450 trang trại toàn tỉnh Thái Nguyên. Lợi thế đó rất phù hợp phát triển các sản phẩm nông lâm nghiệp, nhất là ưu thế gà thả vườn đồi và các nông sản dưới tán rừng…

Toàn huyện có 38 HTX, trong đó có 24 HTX nông nghiệp. Cả năm, huyện thu ngân sách 70 tỷ đồng, nhưng cũng dành 1 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất, chuyển giao công nghệ mới cho các trang trại, HTX.

Nằm trên địa bàn xã Tân Khánh thuộc huyện Phú Bình, HTX Gà đồi Đông Thịnh thành lập được 4 năm nay, hiện có 12 hộ thành viên với khuôn viên vườn đồi, chuồng trại chăn nuôi gà rộng trên 10ha.

HTX áp dụng quy trình chăn nuôi VietGAP. Với ưu thế đất đai chăn nuôi rộng lớn, HTX nhanh chóng xây dựng thương hiệu “Gà đồi Đông Thịnh”, bởi gà nuôi chạy nhảy nhiều, nên chất lượng thịt thơm ngon.

Theo Phó Giám đốc HTX – ông Nguyễn Văn Tuyên, HTX đề xuất Liên minh HTX các cấp hỗ trợ vốn, giúp mua hay thuê đất xây trụ sở và nhất là tìm thị trường tiêu thụ gà thương phẩm. Thời gian qua, dù HTX có nhiều nỗ lực, nhưng vẫn bế tắc đầu ra, phải chịu cảnh “được mùa rớt giá, được giá mất mùa”… Gần đây, HTX mới liên kết lứa gà đầu tiên với công ty Kim Lan (Hà Nội), manh nha hình thành quy trình từ sản xuất đến tiêu thụ.

Đoàn công tác khảo sát HTX Gà đồi Đông Thịnh  

Sau khi khảo sát thực tế sản xuất, đối thoại với lãnh đạo xã và huyện, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định, huyện Phú Bình đất đồi rừng rất rộng, sẵn có lực lượng lao động, sẵn có thương hiệu, hoàn toàn đủ sức nâng cấp xây dựng thành chuỗi sản phẩm gà đồi chủ lực có quy mô lớn, khi biết cách khai thác đầu ra ở Khu CN SamSung ở tỉnh và các siêu thị Tp.Thái Nguyên và Tp. Hà Nội.

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh (Trưởng đoàn công tác miền Bắc) băn khăn đặt vấn đề: Khảo sát địa bàn của HTX Gà đồi Đông Thịnh, của xã Tân Khánh và của cả huyện Phú Bình thuộc vùng nông thôn hẻo lánh và có địa hình bán sơn địa. Như thế rất khó thu hút DN và chỉ có con đường phát triển HTX. Thế nhưng, tại sao HTX ở đây lại khó phát triển, phải chăng do huyện chưa có chính sách quan tâm HTX, nhất là chưa hề có chuyên đề nào phát triển HTX.

Trong cái khó chung riêng đó, đội ngũ cán bộ chuyên môn Liên minh HTX Việt Nam cùng với Liên minh HTX tỉnh và HTX phải bàn kỹ nhu cầu hỗ trợ, hiện thực hóa thành văn bản dự án đầu tư khả thi, tập trung vào vốn, quản trị, thị trường… Từ đó, HTX huy động sự đồng lòng của thành viên HTX và xây dựng thành công dự án.

Đối thoại tìm giải pháp hỗ trợ HTX Chè Tân Hương

HTX chè ở xứ chè

Đến HTX Chè Tân Hương, đoàn công tác Liên minh HTX các cấp gặp ngay vấn đề nan giải: Dù cho ở giữa vùng nguyên liệu chè lớn nhất nước, dù cho HTX Tân Hương thuộc tốp đầu HTX vững mạnh toàn quốc, nhưng HTX này chưa thể xây dựng sản phẩm chè thành đặc sản chủ lực quy mô lớn.

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh cho rằng vấn đề cốt lõi đoàn công tác cần giải quyết “nút thắt” thị trường tiêu thụ. Để tháo gỡ, cần đi sâu tìm hiểu, từng bước thống nhất với HTX xây dựng dự án hỗ trợ từ nhà kho, trang thiết bị chăm sóc chè, tìm kiếm đối tác… Tới khi HTX củng cố tiềm lực hoạt động mới tiến tới xây dựng chuỗi giá trị chè.

Trả lời những vấn đề Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo quan tâm, bà Đỗ Thị Hiệp – Giám đốc HTX Chè Tân Hương, cho biết sau 17 năm thành lập, đến nay, HTX đã tăng lên 41 thành viên, tổng nguồn vốn và tài sản 1,6 tỷ (vốn điều lệ 410 triệu đồng).

HTX có 25ha đồi chè, sản lượng đạt 75 tấn chè búp khô/năm. Năm 2017, doanh thu HTX đạt 8,9 tỷ đồng (tăng 400 triệu đồng so với năm trước), hoàn thành đầy đủ nộp thuế 416 triệu đồng, bảo đảm thu nhập hàng tháng là 5 triệu đồng/người cho 12 lao động thường xuyên.

Đối thoại với đoàn công tác, bà Hiệp khẳng định Tân Hương là HTX duy nhất ở Thái Nguyên có khoảng 10,2ha theo quy trình UZT (tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và bảo vệ môi trường), đạt chứng nhận ISO 22.000:2005.

Tuy chè bán giá không cao hơn chè thường, nhưng tiêu chuẩn UZT như thương hiệu tạo niềm tin tiêu dùng, giúp HTX bán lượng sản phẩm đáng kể cho nhiều cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, HTX hiện vẫn gặp khó, cần Liên minh HTX hỗ trợ tiếp cận đất đai (trụ sở, nhà xưởng, nhà kho), đồng thời hỗ trợ cấp thiết hai mảng còn yếu, gồm công nghệ thông tin và quảng bá tiếp thị bán hàng.

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo “làm thật”, “ba cùng” trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình hỗ trợ HTX xây dựng chuỗi giá trị của Liên minh HTX Việt Nam.

Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo nói: “Ngay trong đợt này, đoàn công tác tiếp tục bám sát cơ sở, tìm hiểu sâu hơn nhu cầu HTX cần hỗ trợ, từ đó xây dựng thành công dự án và hợp đồng kinh tế với HTX. Trong đó tập trung vào ba vấn đề chính: Đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực quản trị và tạo nguồn cán bộ HTX chuyên nghiệp marketing; tìm kiếm huy động hỗ trợ HTX vốn đầu tư nhà xưởng và trang thiết bị sản xuất; tổng hợp các nguồn lực, tìm kiếm các đối tác hỗ trợ HTX xây dựng thương hiệu khơi thông điểm nghẽn tiêu thụ sản phẩm”.

Lưu Đoàn