VCA: Làm việc 5 tỉnh Tây Nguyên triển khai xây dựng HTX gắn với chuỗi giá trị

 

Từ ngày 11-16/3, Tổ công tác số 05-06 do Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam- Lê Văn Nghị làm Tổ trưởng dẫn đầu, trực tiếp chỉ đạo đoàn Công tác khảo sát và làm việc tại 5 tỉnh Tây Nguyên để xem xét các HTX có đủ điều kiện, tiêu chí tham gia mô hình HTX phát triển gắn với chuỗi giá trị.

Tham gia đoàn công tác có đồng chí Vũ Quang Phong, Tổng Giám đốc Trung tâm Khoa học- Công nghệ & Môi trường (Coste)- Tổ phó Thường trực; cùng Chủ tịch Liên minh HTX các tỉnh/TP; đại diện UBND huyện, xã nơi có trụ sở HTX; đại diện doanh nghiệp hoặc chợ đầu mối.

Đoàn công tác làm việc tại 5 tỉnh: Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Khánh Hòa. Mỗi tỉnh, đoàn công tác sẽ khảo sát và làm việc với 02 HTX, với mục đích lựa chọn những HTX tham gia xây dựng mô hình HTX phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị.


Phó Chủ tịch Lê Văn Nghị phát biểu tại buổi làm việc với HTX tại tỉnh Đăk Lăk

Tại Đăk Lăk: Tổ công tác đã đến thăm, khảo sát, thẩm định thực trạng các HTX được lựa chọn là những mô hình thí điểm phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị bao gồm HTX nông nghiệp và thương mại dịch vụ vận tải Thành Công (huyện Ea Kar) và HTX nông nghiệp và dịch vụ Tân Phát (huyện CưM’gar).

HTX nông nghiệp và thương mại dịch vụ vận tải Thành Công có thế mạnh về thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển cây ăn quả có múi. Hiện nay, HTX có 19 hộ thành viên với 90ha diện tích trồng cam, quýt, bưởi, trong đó có 50 ha đang trong thời kỳ thu hoạch. Năm 2017, HTX NN&TMDV vận tải Thành Công được địa phương lựa chọn hỗ trợ sản xuất với 7,8 ha  theo tiêu chuẩn Vietgap và được cấp giấy chứng nhận “Sản xuất cam quýt bưởi theo tiêu chuẩn VietGap”.

 HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Phát là đơn vị tổ chức sản xuất và tiêu thụ cà phê cho thành viên. Hiện nay HTX có 106 hộ thành viên sản xuất 170 ha cà phê, trong đó có 49 hộ được tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn FLO với 90 ha. Hàng năm, HTX sản xuất gần 700 tấn cà phê nhân khô. Ngoài ra, HTX còn trồng đan xen cây bơ, tiêu, sầu riêng và các loại cây ăn quả khác.

Tổ công tác tại buổi làm việc với HTX tại tỉnh Ninh Thuận

Tổ công tác của Liên minh HTX Việt Nam nắm bắt tình hình về cơ cấu tổ chức, quy mô sản xuất và định hướng phát triển, những thuận lợi, khó khăn và các kiến nghị đề xuất của HTX. Điểm nổi bật của hai HTX này là có điều kiện tự nhiên về thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi cho việc phát triển cây ăn quả và cây cà phê. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm này rất lớn. Tuy nhiên, HTX vẫn chưa đáp ứng được khâu đầu ra về sản phẩm cho thành viên nên hiệu quả kinh tế chưa cao.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Lê Văn Nghị cho rằng, về cơ bản, cả hai HTX đều đủ điều kiện tham gia xây dựng mô hình chuỗi giá trị năm 2018. Sau chuyến khảo sát này, Liên minh HTX Việt Nam sẽ xây dựng đề án cụ thể, tập trung nguồn lực để hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị cà phê và trái cây đạt tiêu chuẩn chất lượng và có thương hiệu đáp ứng yêu cầu của thị trường, phát triển bền vững trong thời gian đến.

Lâm Đồng: Sáng ngày 14/3, Tổ công tác về triển khai xây dựng mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị của Liên minh HTX Việt Nam do đồng chí Phó Chủ tịch Lê Văn Nghị làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với 02 HTX tại tỉnh Lâm Đồng. Tham gia cùng đoàn có đồng chí Vũ Quang Phong, Tổng Giám đốc Coste, cùng các đồng chí thuộc các đơn vị của Liên minh HTX Việt Nam; đồng chí Bùi Quang Tùng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng.

Tổ công tác đã đến thăm và khảo sát tình hình thực tế của HTX dịch vụ nông nghiệp Hiền Thi. Đây là HTX chuyên sản xuất, chế biến, đóng gói rau, củ quả sạch. Khó khăn lớn nhất của HTX hiện nay là thiếu máy móc thiết bị và nhà lạnh bảo quản rau củ. Lợi thế lớn nhất của HTX dịch vụ nông nghiệp Hiền Thi là đã xây dựng được kênh phân phối sản phẩm qua các siêu thị trên toàn quốc và quỹ đất sản xuất lên tới 20 ha. Bên cạnh đó, HTX còn gặp một số khó khăn như kiến thức về sản xuất của thành viên chưa cao vì chủ yếu là người dân tộc thiểu số.

Phó Chủ tịch Lê Văn Nghị và đồng chí Vũ Quang Phong- TGĐ Coste khảo sát HTX tại tỉnh Lâm Đồng

Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Hiền- Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hiền Thi cho biết HTX rất mong muốn được tham gia Đề án sản xuất theo chuỗi giá trị. Trong thời gian tới, HTX mong được hỗ trợ xây dựng nhà ươm cây giống, nhà lưới nhà lồng, nhà kính, kho đông lạnh để bảo quản, mua máy xúc đất, máy cày, máy gieo hạt…

HTX Su su Thành Công được thành lập năm 2016 với 12 hộ thành viên, vốn điều lệ 1,9 tỷ đồng.  HTX chuyên sản xuất các loại rau củ quả sạch như dưa leo, chaly, cà chua, su su, khoai lang, khoai tây. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là siêu thị coop mart, Lotte và có một số sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Singapore, Nhật Bản.

Qua làm việc với 02 mô hình HTX sản xuất rau củ quả sạch của Lâm Đồng, Tổ công tác đánh giá đủ điều kiện tham gia xây dựng mô hình chuỗi giá trị sản phẩm để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp. Các cơ quan, đơn vị liên quan như UBND xã, huyện, Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng và các đơn vị chuyên môn trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam cam kết sẽ hỗ trợ về xây dựng phương án, tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ vốn vay và các điều kiện liên quan để HTX sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm.

Tại các tỉnh còn lại, Tổ công tác đã làm việc, khảo sát thực trạng các HTX cùng với Chủ tịch Liên minh HTX các tỉnh/TP- Tổ phó Tổ công tác; Tập thể Hội đồng quản trị HTX; Đại diện lãnh đạo UBND xã nơi có trụ sở HTX; Đại diện doanh nghiệp hoặc chợ đầu mối; từ đó lựa chọn các HTX đủ tiêu chuẩn tham gia xây dựng mô hình HTX phát triển gắn với chuỗi giá trị.

Trung tâm Thông tin HTX Việt Nam (Vicocen)