Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Thuận, thời gian qua, hoạt động của các Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Dù vậy, để cùng triển khai Đề án phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020, địa phương vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa tại HTX nông nghiệp Hòa Thành (Bình Thuận) (Ảnh: baobinhthuan.com.vn)
Những kết quả tích cực
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Bình Thuận, từ đầu năm 2018 trên địa bàn tỉnh phát triển thêm 15 HTX, giải thể 1 HTX. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh hiện có 2 Liên hiệp HTX và 117 HTX nông nghiệp, trong đó 113 HTX đã chuyển đổi và hoạt động theo Luật hợp tác xã số 23/2012/QH13 và 4 HTX ngưng hoạt động chờ giải thể. Dự kiến đến cuối năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 120 HTX nông nghiệp.
Nhìn chung, hầu hết các HTX nông nghiệp hiện nay thực hiện các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt ở nông thôn, chủ yếu cung ứng các dịch vụ đầu vào (giống, vật tư, phân bón, bảo vệ thực vật, thủy lợi nội đồng…). Một số HTX có sự đổi mới về phương thức hoạt động, quan tâm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện liên kết với các doanh nghiệp. Vì vậy đã nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, tăng thu nhập cho các thành viên và khẳng định được vai trò kinh tế hợp tác cho các hộ gia đình tham gia.
Trong đó, 74 HTX hoạt động theo lĩnh vực trồng trọt, thủy nông, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp, diêm nghiệp được củng cố bộ máy tổ chức, điều hành sản xuất, đạt kết quả năm sau cao hơn năm trước. Một số HTX đã chủ động phối hợp với các ngành, các cấp xây dựng phương án sản xuất kinh doanh hàng năm đem lại lợi nhuận cho HTX, trả lương cán bộ và chia lãi cổ phần cao như: HTX Hàm Nhơn 2, HTX Hàm Chính 1, HTX Hoà Thành (huyện Hàm Thuận Bắc); HTX Long Điền 1 (huyện Tuy Phong); HTX Thái Hiệp, Thái Hòa, Thái Bình (huyện Bắc Bình),…
Bên cạnh đó, 39 HTX theo lĩnh vực thủy sản ở huyện đảo Phú Quý làm dịch vụ hậu cần, thu mua hải sản hoạt động trên biển trên tinh thần hợp tác, tương trợ lẫn nhau, đem lại lợi ích kinh tế lớn. Với quy mô thành viên từ 7-15 người/HTX, vốn điều lệ của HTX đa số trên 2 tỷ đồng, riêng 5 HTX vốn điều lệ từ 4 tỷ đến 5 tỷ đồng, hoạt động hiệu quả, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, đóng góp nguồn thu ngân sách nhà nước, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Còn nhiều khó khăn về nguồn vốn
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Bình Thuận, bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, việc tăng trưởng của các HTX chưa thực sự đồng đều trên tất cả các lĩnh vực. Những HTX có doanh thu và lợi nhuận cao thường tập trung vào các HTX điển hình, còn nhiều HTX nông nghiệp chưa có nhiều bứt phá trong định hướng hoạt động sản xuất, chỉ tập trung vào một số loại hình dịch vụ chủ yếu như dịch vụ thủy nông, vật tư nông nghiệp.
Đặc biệt, khó khăn lớn nhất của các HTX hiện nay là thiếu vốn để đầu tư sản xuất và chưa có phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Vốn các HTX chuyển đổi nằm trong công nợ xã viên hoặc một số HTX không có tài sản thế chấp hoặc không đủ điều kiện thế chấp để vay vốn của Ngân hàng và các tổ chức tín dụng, từ đó HTX còn lúng túng chưa đề ra được những định hướng, kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất kỹ thuật của HTX còn yếu kém, đa số HTX có quy mô nhỏ, việc huy động tăng vốn góp còn khó khăn, năng lực cạnh tranh còn thấp. Cán bộ quản lý HTX chưa theo kịp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, chuyên môn nghiệp vụ hạn chế, chủ yếu dựa trên kinh nghiệm.
Song song với đó, nguồn lực cán bộ và kinh phí đảm bảo cho hoạt động quản lý nhà nước đối với kinh tế hợp tác thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức. Cán bộ, công chức quản lý kinh tế hợp tác cấp huyện thường kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, vì vậy ảnh hưởng đến công tác tham mưu. Đồng thời, các chính sách khuyến khích ưu đãi đối với HTX chưa được triển khai và áp dụng kịp thời dẫn đến thiếu sự khích lệ, động viên, hỗ trợ thúc đẩy phát triển HTX.
Thu hút các doanh nghiệp liên kết cùng HTX tổ chức sản xuất
Nhằm khắc phục những khó khăn còn tồn tại, đồng thời triển khai Quyết định số 461/QĐ- TTg ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020, theo Sở NN&PTNT Bình Thuận, địa phương sẽ triển khai nhiều giải pháp thiết thực để không ngừng nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động của HTX trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về đổi mới, phát triển HTX theo Luật Hợp tác xã 2012 nhằm thúc đẩy mạnh mẽ phát triển HTX nông nghiệp. Tuyên truyền tới các HTX nhằm nhận thức rõ về cơ chế tự nguyện, quản lý dân chủ, bình đẳng…theo Luật hợp tác xã 2012.
Đáng chú ý, tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đề xuất giải pháp và tổ chức thực hiện có hiệu quả về các cơ chế chính sách đối với HTX nông nghiệp đã ban hành.
Đặc biệt, một trong những giải pháp quan trọng là vận động, thu hút các doanh nghiệp lớn làm đầu tàu tham gia liên kết cùng HTX tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nhằm tạo động lực mới để chuyển đổi hoàn toàn hoạt động của các HTX nông nghiệp. Qua đó, phát triển HTX kiểu mới với các phương thức, quy mô hoạt động gắn với trình độ phát triển của các ngành hàng nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp giữa Sở NN&PTNT với các sở, ngành, Liên minh Hợp tác xã và chính quyền địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp một cách hiệu quả thiết thực, không chạy theo thành tích. Thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý nhà nước và HTX, trong đó đặc biệt chú trọng đội ngũ cán bộ quản lý HTX, thành viên, người sáng lập khởi nghiệp các HTX nhằm trang bị kiến thức quản trị kinh doanh đảm bảo điều hành các HTX hoạt động có hiệu quả.
Mặt khác, xây dựng các dự án, kế hoạch ưu tiên phát triển các HTX nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Hỗ trợ thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp với các doanh nghiệp có năng lực tiêu thụ nông sản. Nghiên cứu tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX hiệu quả thấp. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; đồng thời đề xuất hỗ trợ đặc thù cho các hoạt động xúc tiến thương mại của các HTX nông nghiệp./.
Theo ĐCSVN