Hội nghị Bộ trưởng HTX khu vực châu Á – TBD lần thứ 10: Cầu nối cho các HTX làng nghề vươn xa

 

Dẫn đoàn trải nghiệm thực tế HTX làng nghề Hà Nội, lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam đã bày tỏ mong muốn các đại biểu quốc tế, nhất là các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng HTX, Đại Sứ quán các nước châu Á – Thái Bình Dương (TBD) quan tâm thúc đẩy kênh tiêu thụ, tạo cầu nối đưa sản phẩm HTX vươn xa thị trường ngoài nước.

Ngày 21/4, lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam đã trực tiếp dẫn đoàn khách quốc tế, bao gồm đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng HTX khu vực châu Á – TBD lần thứ 10, đi thăm và khảo sát mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm quy mô lớn, tại làng nghề gốm sứ Bát Tràng và làng dệt lụa Vạn Phúc (Hà Nội).

Làng nghề với thị trường quốc tế

Tại các làng nghề Bát Tràng và Vạn Phúc, các đại biểu quốc tế tham dự Hội nghị Bộ trưởng HTX khu vực châu Á – TBD lần thứ 10 đã được lãnh đạo chính quyền, các giám đốc HTX làng nghề, các nghệ nhân và các hộ làng nghề đón tiếp nồng hậu.

Giới thiệu với khách quốc tế, ông Nguyễn Trung Kiên – Phó Chủ tịch UBND xã Bát Tràng, cho biết: Làng nghề có 7 HTX kiểu mới nằm trong số 125 DN và 910 hộ làng nghề. Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng hiện không chỉ chiếm lĩnh được thị trường nội địa, mà còn đạt sản lượng lớn xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản… Thu nhập chính của xã là sản xuất gốm sứ mỹ nghệ. Chỉ tính 10 tháng đầu năm 2016, tổng doanh thu của làng đạt trên 1.100 tỷ đồng, bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Ngọc Thuần – Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, khẳng định: các làng nghề thủ công mỹ nghệ luôn cần kênh tiêu thụ, nhất là thị trường quốc tế.

Theo ông Thuần, lượng khách quốc tế làng nghề ngày càng tăng cao. Hiện, mỗi ngày làng nghề đón khoảng 1.000 khách quốc tế. Mỗi năm, hàng trăm sinh viên nước ngoài đến học nghề, từ đó góp phần tiêu thụ sản phẩm và nâng cao đời sống hộ nghề và thành viên HTX.

Tại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, ông Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc HTX dệt lụa Vạn Phúc, cho biết HTX đã chuyển sang hoạt động theo Luật HTX 2012 và có 1.032 thành viên. HTX hiện đang phát triển theo hướng vừa là trọng điểm nghề dệt lụa, kết hợp với đón khách du lịch và tiêu thụ tại chỗ sản phẩm qua các du khách.

Vạn Phúc đón nhiều đoàn khách quốc tế, mỗi năm khoảng 10.000 lượt khách. Làng nghề tồn tại được nhờ vào kênh tiêu thụ quốc tế, với sản lượng đạt 1,5 – 2 triệu mét vải lụa các loại/năm. Nhiều hộ nghề phát đạt, cải thiện đời sống, có của ăn của để.

Niềm vui trải nghiệm làm nghề của bà Noraesyah Saari, đại biểu Malaysia

Kênh tiêu thụ quan trọng

Các vị khách quốc tế được nghe giới thiệu lịch sử phát triển làng nghề gắn với quá trình phát triển HTX thủ công mỹ nghệ, đồng thời tìm hiểu truyền thống làng nghề, trải nghiệm trực tiếp, thử làm và tạo hình sản phẩm ngay tại các xưởng nghề.

Bà Noraesyah Saari – Giám đốc phía Bắc Trường Cao đẳng đào tạo nghề HTX Malaysia, tỏ ra vô cùng thích thú khi hoàn thành một tác phẩm gốm sứ.

Bà Noraesyah thốt lên: “Tôi rất vui vì tự tay mình làm ra cái bát gốm thô và cảm nhận rõ hơn nỗi vất va của người của lao động HTX làng nghề. Tôi làm công tác đào tạo, nên hy vọng tới đây chia sẻ nhiều hơn với Việt Nam về kinh nghiệm đào tạo, nhất là đào tạo nghề rất quan trọng, bởi lao động HTX qua đào tạo thì sẽ nâng chất lượng sản phẩm tốt hơn”.

“Đại diện cho nước chủ nhà, Liên minh HTX Việt Nam kỳ vọng qua việc tổ chức chuyến đi thực tế này. các đại biểu quốc tế, nhất là các vị Bộ trưởng HTX, Đại sứ quán các nước châu Á – TBD sẽ quan tâm quảng bá các sản phẩm gốm Bát Tràng và lụa Vạn Phúc. Từ đó, xây dựng các mối liên kết HTX quốc tế, nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm gốm sứ, lụa cũng như nhiều sản phẩm hàng hóa đặc trưng của các làng nghề, các HTX Việt Nam, tạo cầu nối cho các sản phẩm vươn xa đến thị trường các quốc gia trên thế giới”.

Chuyến đi thực tế tìm hiểu HTX kiểu mới ở làng nghề Bát Tràng và Vạn Phúc, một hoạt động bên lề rất thiết thực, đã góp phần tạo nên kết thúc có hậu cho Hội nghị Bộ trưởng HTX khu vực châu Á – TBD lần thứ 10.

Lưu Đoàn