Sáng ngày 18-9, tại thành phố Cần Thơ, Viện Phát triển kinh tế hợp tác thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Chính sách khuyến khích, hướng dẫn, động viên đồng bào Khơ-me vùng Tây Nam bộ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới – Thực trạng và giải pháp”. Đông đảo các đại biểu là lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, các chức sắc Phật giáo Khơ-me, Ban dân tộc và các nhân sĩ trí thức Khơ-me đã về dự.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Anh, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế hợp tác cho biết: Đồng bào Khơ-me Tây Nam bộ với sinh kế chủ yếu là nông nghiệp. Vì thế làm thế nào để thúc đẩy, phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới để đồng bào có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và tiến tới giàu có ngay trên mảnh đất quê hương mình là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Thời gian qua, Viện Phát triển kinh tế hợp tác đã tổ chức nghiên cứu sâu và toàn diện các khía cạnh tích cực cũng như các mặt hạn chế của quá trình xây dựng triển khai các chính sách hỗ trợ bà con Khơ-me Tây Nam bộ trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tại 5 tỉnh, thành phố (Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Trà Vinh, Kiên Giang). Hội thảo lần này nhằm tiếp tục hoàn thiện đề án và quan trọng hơn nữa là đánh giá đúng thực trạng và tính thực thi của các chính sách trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của đồng bào dân tộc Khơ-me.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận có giá trị tập trung đánh giá những điểm yếu trong phát triển nông nghiệp của đồng bào dân tộc Khơ-me đó là: thiếu đất sản xuất, hạn chế về chuyên môn kỹ thuật canh tác nông nghiệp và năng lực sản xuất hàng hóa, tiếp cận thị trường; quy mô sản xuất còn manh mún và nhỏ lẻ, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm… Trên cơ sở đó, giải pháp khuyến khích, động viên, hướng dẫn đồng bào dân tộc Khơ-me phát triển nông nghiệp được đưa ra là: Quy hoạch phát triển nông sản của vùng đồng bào dân tộc Khơ-me theo hướng tiếp cận chuỗi giá trị thị trường nông sản; tăng cường cho đầu tư, chuyển giao khoa học-công nghệ phục vụ nông nghiệp; Đẩy mạnh phát triển cơ sở vật chất hạ tầng, (giao thông đường bộ (đường thủy), thủy lợi, điện, thông tin liên lạc) và cơ khí hóa nông nghiệp phục vụ nông nghiệp và nông thôn; Đổi mới và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp; tăng cường khả năng tiếp cận của người dân tộc Khơ-me với các chương trình hỗ trợ cũng như những chính sách hỗ trợ tín dụng; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền cho bà con trên các phương tiện thông tin đại chúng và kết hợp với giáo dục tại các điểm sinh hoạt chùa nhằm nâng cao nhận thức và ý chí vươn lên vượt khó của đồng bào dân tộc Khơ-me.
Quang cảnh hội thảo
Tin, ảnh: Việt Hà