Sáng 26/9, tại Hà Nội, Viện Phát triển Kinh tế Hợp tác (PTKTHT)- Liên minh HTX Việt Nam khai mạc hội thảo: Những thành tựu đạt được từ các chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới giai đoạn năm 2013 đối với HTX nông nghiệp.
Đến tham dự hội thảo có Ts. Nguyễn Văn Liễu – Vụ trưởng vụ khoa học và công nghệ các ngành kinh tế – kỹ thuật – Bộ KH&CN, Ts. Phạm Tố Oanh – Phó trưởng Ban Kế hoạch hỗ trợ – Liên minh HTX Việt Nam, Ts. Nguyễn Thị Thúy Anh – Viện trưởng Viện PTKTHT, cùng đông đảo các nhà khoa học, đại diện Liên minh HTX các tỉnh, thành phố, Giám đốc các HTX nông nghiệp.
Chủ trì hội thảo Ts. Ngô Văn Hải- Trung tâm tư vấn phát triển nông nghiệp nông thôn- Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và Ths. Phan Xuân Thắng – Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế hợp tác và HTX – Viện PTKTHT.
Hội thảo đã nghe các nhà khoa học, đại diện của Liên minh HTX các tỉnh, TP trình bày tham luận về thực trạng tiếp cận và hưởng thụ chính sách hỗ trợ; vai trò HTX nông nghiệp trong ứng dung và phát triển nông nghiệp công nghệ cao; các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới…
Từ thực tế của HTX Thương binh và NTT Nguyễn Hùng, Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng đã có những chia sẻ thực sự hữu ích. Theo ông, nhà khoa học và người nông dân cần có sự kết nối chặt chẽ, chia sẻ những kiến thức, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhưng phải phù hợp, có thể áp dụng vào từng vùng để nông dân sản xuất có hiệu quả cao.
Với kinh nghiệm là tư vấn, hỗ trợ cho HTX, đại diện Liên minh HTX Thừa Thiên- Huế cho rằng, để áp dụng những chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ cho các HTX nông nghiệp đạt hiệu quả, thì những nhà thực hiện phải là những người thực sự tâm huyết với HTX, đảm bảo lợi ích giữa nhà khoa học- doanh nghiệp- HTX…
Khoa học và công nghệ đã và đang góp phần đáng kể trong việc phát triển kinh tế xã hội. Những kết quả hoạt động chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng miền núi thời gian qua đạt được những kết quả nhất định. Qua đó, đã giúp bà con nông dân ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học vào thực tiễn sản xuất, tạo thêm thu nhập, cải thiện đời sống… góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương, xây dựng các vùng nông thôn ngày càng phát triển.
Tuy nhiên, nhiều chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật chưa đi vào thực tế: chưa được triển khai, hoặc triển khai chưa phù hợp với thực tế. Để những chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ thực sự đi vào cuộc sống, cần có sự quan tâm của lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của xã viên, sự phối hợp chặt chẽ của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX các tỉnh, thành phố; đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực cho HTX tiếp nhận khoa học kỹ thuật… giúp cho các HTX nông nghiệp phát triển bền vững.
Tin, ảnh: Đặng Thu Hà