Qua thực tế tìm hiểu một số hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Khánh Hòa, công tác thu hút nguồn nhân lực trẻ có trình độ về quản lý các HTX hiện vẫn đang gặp vướng mắc, đặc biệt ở khâu đào tạo. Trong khi đó, đa số cán bộ quản lý HTX hiện nay có độ tuổi khá cao và đều xuất thân từ nông dân lấy kinh nghiệm thực tiễn là chủ yếu, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế.
Kể từ khi có Luật HTX năm 2012, hoạt động của nhiều HTX trên địa bàn Khánh Hòa có sự thay đổi, phát huy hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Tuy vậy, công tác thu hút nguồn nhân lực trẻ có trình độ để mô hình HTX phát huy hơn nữa vai trò của mình, vẫn đang còn gặp nhiều vướng mắc…
Theo thống kê, toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 103 HTX; trong đó, có 78 HTX nông nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản; 11 HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ, cơ giới – xây dựng; 9 HTX vận tải, 4 quỹ tín dụng nhân dân và 1 Liên hiệp HTX… hoạt động theo Luật HTX 2012. Đánh giá của địa phương, song song với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế – xã hội, hoạt động của HTX góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế tập thể, tạo mối liên kết, gia tăng sản lượng hàng hóa nông – lâm – thủy sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Do đó, nguồn nhân lực có vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của các HTX.
Ông Hồ Ích, Giám đốc HTX Nông nghiệp Diên An (huyện Diên Khánh) cho biết, ngoài việc thiếu nguồn vốn, vấn đề đơn vị quan tâm và khó giải quyết nhất là nguồn nhân lực trẻ có trình độ chuyên môn cao đang thiếu trầm trọng. HTX Diên An có trên 2.000 thành viên với 17 thành viên nằm trong Ban quản lý, đa số các thành viên đều có từ khi thành lập HTX gắn bó cho đến nay và đã lớn tuổi. Việc tuyển dụng nhân lực trẻ có trình độ về quản lý, kế thừa để phát triển HTX vô cùng khó khăn, một phần lớp trẻ hiện nay đi ra ngoài làm ăn, ít mặn mà với công tác sản xuất tại địa phương.
Tương tự tại HTX Nông nghiệp I Ninh Quang (thị xã Ninh Hòa), mặc dù đã đi vào hoạt động theo mô hình mới, được hỗ trợ vốn để thực hiện kế hoạch sản xuất lúa chất lượng cao giai đoạn 2018- 2020, nhưng đến nay vẫn chưa gỡ được “nút thắt” về nguồn nhân lực có trình độ học vấn chuyên môn cao về làm việc tại HTX. Hiện tại, hình thức sản xuất của HTX Nông nghiệp I Ninh Quang vẫn duy trì theo kiểu canh tác cũ trước đây, nên các hoạt động quảng bá chỉ mới dừng lại theo kiểu trưng bày bán sản phẩm tại một số cửa hàng trên địa bàn Khánh Hòa.
Ông Lương Công Vân, Chủ tịch Liên hiệp HTX thị xã Ninh Hòa cho biết, đội ngũ quản lý HTX đa số đã lớn tuổi nên không còn nhanh nhẹn, nhạy bén hoạt động như trước đây nữa. Giải pháp hiện nay là đào tạo và tìm kiếm những con người tâm huyết cống hiến với HTX, với các thành viên; chính những người trẻ có trí thức quản lý, điều hành, công tác sản xuất, kinh doanh mới hiệu quả hơn.
Cũng trong thực trạng thiếu nhân lực, ông Nguyễn Ngọc Chúng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Suối Hiệp 1, huyện Diên Khánh chia sẻ, HTX được cho chỉ tiêu tuyển dụng một cán bộ trẻ, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa tìm ra. Khó khăn này xuất phát từ chế độ đãi ngộ và tiền lương thấp khiến nhiều cán bộ chưa phát huy hết năng lực, không gắn bó lâu dài với HTX.
Theo ông Đinh Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Khánh Hòa, hiện nay nguồn nhân lực đang là thách thức không nhỏ đối với sự phát triển bền vững của các HTX. Tỉnh đã có những phương án đào tạo nguồn nhân lực trẻ về công tác tại các HTX, tuy nhiên cần tìm một chính sách hợp lý mới mong thu hút lực lượng này.
“Từ nay đến năm 2020, Khánh Hòa đặt mục tiêu mỗi năm thành lập mới 80 HTX; trong đó có trên 80% HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả. Do đó, ngoài việc giải quyết những khó khăn về tuyển dụng nhân lực có trình độ cao, vấn đề cần quan tâm nữa là đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất nhằm nâng cao nguồn vốn cho HTX góp một phần vào công tác đãi ngộ cho đội ngũ quản lý”, ông Dũng nói.
Theo báo Pháp luật