Đó là chia sẻ của anh Tô Văn Khiêm, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Chè an toàn Khe Cốc, xã Tức Tranh (Phú Lương, Thái Nguyên) khi nói về định hướng phát triển SX an toàn và xây dựng thương hiệu chè cho vùng đất quê mình.
Anh chính là người tiên phong ở Khe Cốc ứng dụng khoa học kỹ thuật để SX chè hữu cơ, chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Anh Tô Văn Khiêm giới thiệu vùng nguyên liệu chè VietGAP với khách tham quan (Ảnh: Duy Linh) |
Tôi có nhiều dịp được tiếp xúc với anh Tô Văn Khiêm, lần nào cũng thấy anh tràn đầy nhiệt huyết và những ý tưởng. Từ việc là người đầu tiên ở xã Tức Tranh đăng ký nhãn hiệu và dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm chè; thiết kế và đặt làm những hộp đựng chè độc đáo bằng tre; SX bột trà matcha; làm kẹo dồi lạc từ bột matcha do chính HTX mình SX…
Tâm huyết là vậy, nên việc anh bỏ hàng tỷ đồng ra đầu tư mua các loại máy móc, thiết bị chế biến và đóng gói, xây dựng phòng lạnh để bảo quản chè khô cũng là điều dễ hiểu.
Được biết đến là vùng SX chè ngon, hương vị đặc biệt không kém so với Tân Cương của TP Thái Nguyên, La Bằng của huyện Đại Từ hay Trại Cài huyện Đồng Hỷ, nhưng chè Khe Cốc lại chưa gây được tiếng vang đối với khách hàng, giá bán vì thế mà chưa tương xứng với chất lượng. Đây là điều trăn trở lớn nhất của anh Tô Văn Khiêm. Tuy quê gốc không phải ở xã Tức Tranh nhưng anh lại gắn bó với những vườn chè từ nhỏ, bởi vậy mà anh Khiêm quyết tâm từng bước nâng cao giá trị cây trồng chủ lực của địa phương bằng định hướng SX chè sạch và xây dựng thương hiệu riêng.
Với vai trò là Trưởng xóm Tân Thái, kiêm Trưởng Ban Quản lý Làng nghề chè cụm Khe Cốc, anh tranh thủ các buổi họp xóm để vận động, giải thích cho bà con lợi ích lâu dài khi làm chè an toàn theo hướng VietGAP. Những công nhân làm việc cho HTX cũng tuân thủ triệt để quy trình chế biến, đóng gói đảm bảo vệ sinh.
Đóng gói sản phẩm bột trà xanh (matcha) tại HTX Chè an toàn Khe Cốc (Ảnh: Duy Linh) |
“Tôi xác định chất lượng sản phẩm và mức độ an toàn là yếu tố tiên quyết khi xây dựng thương hiệu. Vậy nên trong tổng số hơn 10.000m2 của gia đình thì chỉ có 80% đạt tiêu chuẩn VietGAP và 10ha chè hữu cơ mới được mang đi đóng gói và dãn nhãn.
Đối với diện tích chè nguyên liệu của các thành viên HTX cũng vậy, hiện nay chỉ đạt 50% SX theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ hơn 1 năm nay, cơ sở là một trong những đơn vị đầu tiên của tỉnh thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc. Chỉ cần dùng một ứng dụng trên điện thoại thông minh để quét qua đó thì có thể biết rõ được ngày SX, địa chỉ, tiêu chuẩn chất lượng cùng những thông tin liên quan. Không giống các nơi khác, với bột trà matcha chúng tôi chỉ SX vào thời điểm mùa thu và xuân. Đó là khi nhiệt độ không khí mát mẻ, không nắng gay gắt nên giúp cho chè đạt được nhiều chất diệp lục và aminô axít nhất”.
Nhờ áp dụng quy trình SX và chế biến an toàn nên giá trị sản phẩm chè của các thành viên HTX Chè an toàn Khe Cốc được nâng lên đáng kể, lợi nhuận bình quân đạt tới 80-100 triệu đồng/ha/năm.
Riêng với gia đình anh Khiêm, các loại chè chất lượng đặc biệt như chè đinh, chè nõn đã bán được giá với tiền triệu, thậm chí vài triệu đồng/kg. Sản phẩm làm ra không đủ bán, khách hàng được mở rộng ra cả các tỉnh miền Nam, thậm chí nước ngoài.
Đặc biệt, để tận dụng lượng chè bị gẫy trong quá trình chế biến của chè đinh ôm, đinh tâm và tôm nõn, năm 2018 anh Tô Văn Khiêm đã mạnh dạn làm thêm sản phẩm trà túi lọc xanh nguyên chất. Ngày đêm tâm huyết anh đã lên được ý tưởng mẫu mã mầu sắc cho trà túi lọc đậm phong cách riêng của HTX và được in bằng 2 thứ tiếng (tiếng Việt và tiếng Anh) trên sản phẩm.
Trà xanh túi lọc đặc biệt thơm ngon – sản phẩm mới của HTX được anh Tô Văn Khiêm tung ra thị trường bước đầu được người sử dụng đánh giá cao |
“Đây mới là những kết quả ban đầu. Dù khách có đặt hàng nhiều nhưng chúng tôi kiên quyết không làm ẩu, kém chất lượng để mất uy tín đã dày công gây dựng. Thời gian tới, tôi và các thành viên HTX sẽ tiếp tục mở rộng quy mô vùng SX chè an toàn, để chè Khe Cốc tạo dấu ấn và uy tín nhiều hơn với khách hàng trong và ngoài nước”, anh Khiêm chia sẻ. |
Theo Nông nghiệp