Do diện tích đất chủ yếu là núi đá, nên phát triển chăn nuôi kết hợp chế biến là định hướng đúng của HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đại Dương (thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) nhằm phát triển bền vững.
HTX chủ động nguồn thức ăn xanh cho bò |
Bò là vật nuôi chủ lực của tỉnh Hà Giang. Đây cũng là vật nuôi khẳng định vị thế “đầu cơ nghiệp” trong tái cơ cấu nông nghiệp. Hiệu quả mà HTX Đại Dương mang lại là ví dụ điển hình cho sự kiên trì, sáng tạo của các thành viên trong quá trình phát triển chăn nuôi trên địa bàn vùng núi.
Chủ động sản xuất
HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đại Dương thành lập năm 2016, hiện có 8 thành viên tham gia góp vốn chăn nuôi bò. Từ nguồn vốn góp và nguồn vốn vay của tỉnh, HTX đã đầu tư, mở rộng quy mô chuồng trại kiên cố.
Để giúp các thành viên trong HTX tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào chăn nuôi, hàng năm, HTX luôn đẩy mạnh công tác tổ chức tập huấn, hỗ trợ, tư vấn nhiều nội dung thiết thực trong cách chăn nuôi bò. Trong đó có việc lựa chọn con giống bò, chăm sóc, nhận diện dịch bệnh, cách vệ sinh chuồng trại… được quan tâm. Vì vậy, trong thời gian qua, HTX đã từng bước khẳng định lợi thế trong việc chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa gắn với thị trường.
Đặc biệt, dựa trên nền tảng những thuận lợi về điều kiện thiên nhiên, cùng nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước trong phát triển nông nghiệp, nhất là mô hình kinh tế tập thể, cùng với việc tiếp cận, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, HTX đang ngày càng mở rộng quy mô sản xuất. Từ 15 con bò đầu tiên, đến nay, HTX đã duy trì tổng đàn bò 40 con, trong đó 25 con là bò bò thịt.
Để giải quyết vấn đề thức ăn xanh-nguồn dinh dưỡng hàng ngày cho đàn bò, HTX đã thực hiện trồng cỏ song song với nuôi bò. Phân bò được xử lý qua bể biogas để làm phân bón cho cỏ và phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Việc kết hợp trồng cỏ giúp nâng cao hiệu quả trong quá trình chăn nuôi, tiết kiệm chi phí thức ăn. Theo tính toán của HTX, trung bình 10 con bò cần 250kg cỏ/ngày, một tháng nhu cầu là 7 tấn cỏ (tương đương 3,5 – 4 triệu đồng). Trung bình 1ha cỏ có thể cung cấp thức ăn cho 20 con bò, trong khi trồng cỏ không tốn nhiều công sức chăm sóc.
Mặc dù mới hoạt động được 2 năm nhưng bước đầu chính quyền địa phương và các hộ dân khẳng định đây là mô hình phù hợp điều kiện đất đai thổ nhưỡng, khai thác tối đa tiềm năng vùng đồi núi của xã. Nhờ kết hợp trồng cỏ và nuôi bò, mỗi thành viên có thể thu về 240 – 270 triệu đồng.
Theo anh Nguyễn Gia Hình, Giám đốc HTX, trồng cỏ nuôi bò cũng phần nào tăng được mức độ đa dạng của hệ sinh thái; giảm ô nhiễm nước, ô nhiễm đất, bảo vệ được các thiên địch có lợi do trồng cỏ hầu như không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật so với các cây trồng khác.
Nâng cao giá trị
Không dừng lại ở chăn nuôi bò, HTX còn đầu tư máy sấy thịt bò khô, kèm máy hút chân không công nghiệp, xây dựng xưởng chế biến để làm sản phẩm thịt bò khô.
Thịt bò được sấy bằng gas nhưng vẫn giữ được hương vị đặc trưng. Gas sấy thịt cũng chính là nguồn chất đốt được lấy từ bể biogas xử lý chất thải trong chăn nuôi bò. Đây là nguồn chất đốt dồi dào phục vụ sản xuất và chế biến của HTX, lại góp phần giảm ô nhiễm môi trường chăn nuôi.
Tháng 6/2018, sản phẩm thịt bò khô của HTX được Sở KH&CN tiến hành thẩm định, cấp mã vạch đánh dấu xuất xứ. Đây là điều kiện thuận lợi giúp sản phẩm của HTX rộng đầu ra.
Ngoài ra, HTX còn mua thêm 200 đàn ong mật về nuôi. Điều kiện thuận lợi của HTX là địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn, cung cấp thức ăn tự nhiên nên ong không bị mắc bệnh.
Nhờ chăn nuôi đa dạng, chủ động, nên từ khi ra đời đến nay, HTX Đại Dương đã mang đến cho các thành viên rất nhiều lợi ích. Đặc biệt là nhờ tham gia HTX, các hộ thành viên được gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi, hỗ trợ nhau trong kỹ thuật. HTX còn có nguồn quỹ, kịp thời hỗ trợ thành viên khi gặp khó khăn, cũng như có nguồn vốn mở rộng, phát triển sản xuất.
Như Yến