Đầu tư công nghệ hiện đại, chú trọng vào khâu chế biến, xây dựng thương hiệu đã giúp HTX Chế biến sữa bò Phù Đổng (thôn Phù Dực, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) dần xây dựng được thương hiệu. Hoạt động của HTX còn góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường địa phương.
Từ một HTX chuyên cung ứng sữa nguyên liệu cho các công ty sữa, HTX Phù Đổng đã tạo nên bước ngoặt mới, bằng việc áp dụng KH-CN và sản xuất theo dây chuyền khép khín, cung cấp ra thị trường những sản phẩm được chế biến từ sữa bò, như: Sữa thanh trùng, sữa chua có đường, sữa chua nếp cẩm…
Sản xuất sạch
Để có được điều này, HTX đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài, mở rộng quy mô HTX và liên kết với hàng trăm hộ nuôi bò, qua đó tạo ra những sản phẩm chất lượng cạnh tranh trên thị trường.
Ông Khúc Văn Trọng – Chủ tịch HĐQT HTX, cho biết việc bảo đảm đầu ra cho người chăn nuôi bò sữa là điều kiện cần thiết để nông dân có điều kiện tái sản xuất. Chính vì vậy, đầu tư dây chuyền chế biến tại chỗ là hướng đi đúng đắn khi mở ra hướng sản xuất sạch cho HTX.
Để bảo đảm nguồn nguyên liệu chế biến, HTX đã liên kết và ký hợp đồng với hàng trăm hộ nuôi bò tại địa phương, đồng thời đầu tư máy móc, áp dụng KH-CN và sản xuất theo dây chuyền khép kín.
Ông Nguyễn Văn Thảo – thôn Phù Dực, cho biết gia đình ông nuôi 5 con bò sữa, sản lượng sữa thu được mỗi ngày khoảng 55 kg. Từ khi HTX Phù Đổng đứng ra thu mua, lượng sữa gia đình ông có đến đâu đều được tiêu thụ hết đến đó, không phải chạy vạy khắp nơi để tìm hướng tiêu thụ, trong khi giá bán ra ngoài chỉ được bằng nửa hoặc 1/3 so với giá HTX thu mua.
Tất cả các khâu thu mua, vận chuyển, chế biến đều được kiểm tra nhiều lần. HTX cũng đầu tư máy vắt sữa bò, hệ thống bồn lạnh chứa sữa, xe vận chuyển sữa, nhằm bảo đảm chất lượng sữa được ổn định, giúp các hộ thành viên và nông dân có được giá sữa tốt.
Sau khi chế biến, sản phẩm được thanh trùng và làm lạnh đúng quy trình nhằm tiêu diệt vi sinh vật có hại trong sữa trước khi xuất ra thị trường.
Ngoài bán lẻ, sản phẩm của HTX còn được xuất bán vào các siêu thị, như Vinmart, Fivimart, Aeon mall, Hapomart…
Hiện cũng đã có một số trường mầm non, tiểu học trên địa bàn đặt sữa của HTX. HTX cũng chú ý hoàn thiện khâu phân phối, phục vụ khách hàng để sản phẩm đến được nhiều hơn với người tiêu dùng.
Với quy trình hoạt động hiện đại, chuyên nghiệp, mỗi tháng, HTX có thể thu lợi nhuận hàng tỷ đồng, đem lại việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương, với thu nhập 4 – 5 triệu đồng/tháng.
HTX đã tạo nên bước ngoặt cho người nuôi bò sữa ở Phù Đổng |
Giải bài toán môi trường
Ngoài đứng ra thu mua sữa cho các hộ dân, HTX đã sử dụng nguồn đất đai của các hộ thành viên để tổ chức chăn nuôi bò nhằm giảm chi phí mua bên ngoài.
Để đạt chất lượng, bò phải được nuôi theo đúng kỹ thuật, đầy đủ khẩu phần ăn, cho ăn đúng kỹ thuật, không mắc dịch bệnh; chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát và áp dụng đúng kỹ thuật vệ sinh trước khi vắt sữa và sau khi vắt sữa.
HTX cũng áp dụng thang điểm vệ sinh chuồng trại chăn nuôi đối với các hộ chăn nuôi và thành viên; thực hiện kiểm tra đột xuất hoặc định kỳ nhằm nâng cao ý thức bảo đảm vệ sinh an toàn trong chăn nuôi và khai thác sữa.
Đặc biệt, HTX đã kết hợp chăn nuôi giun quế để giải quyết bài toán môi trường và tận dụng nguồn phân bò dồi dào tại địa phương.
“Các hộ thành viên trong HTX đã thực hiện xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải. Tuy nhiên, chủ yếu là hầm nhỏ, trong khi tại địa phương, tổng đàn bò lên đến 2.000 con nên HTX có thể thu mua phân bò về nuôi giun quế với giá rẻ”, ông Thảo cho biết.
Hiện giun quế không chỉ làm thức ăn cho bò mà còn được HTX trộn với phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cho diện tích cỏ nguyên liệu cho bò.
Đây là quy trình khép kín vừa tận dụng được chất thải từ phân bò lại giải quyết bài toán môi trường trong chăn nuôi. Nhờ quy trình sản xuất của HTX mà đường làng ngõ xóm đã sạch đẹp, mùi hôi thối từ phân bò đã không còn.
Theo Thời báo kinh doanh