Từ đầu năm 2018 đến nay, HTX Chăn nuôi và chế biến rắn Thịnh Hưng (Vĩnh Sơn, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cung ứng cho thị trường hơn 20.000 con rắn giống; hơn 300 bình rượu rắn; hơn 100 kg cao rắn, 5.000 chai rượu rắn; doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng.
Xuất phát từ nghề chăn nuôi rắn truyền thống của địa phương, HTX Chăn nuôi và Chế biến rắn Thịnh Hưng được thành lập tháng 9/2005, chuyên cung cấp vật tư, rắn giống, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, thu mua và chế biến các sản phẩm từ rắn.
Khó khăn về nguồn thức ăn
Là nghề truyền thống, nhưng trước đây, chăn nuôi rắn ở Thịnh Hưng chưa biết áp dụng tiến bộ KH-KT vào chăm sóc, thức ăn cho rắn phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên nên dịch bệnh thường xuyên xảy ra và hiệu quả kinh tế thấp.
Năm 2009, HTX quyết định chia số lượng rắn về sản xuất ở các hộ; cung cấp vật tư, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi để đề cao tính làm chủ của thành viên. Tuy nhiên, sau một thời gian nuôi tại các hộ, HTX tiếp tục gặp khó khăn về nguồn thức ăn cho rắn.
Ông Nguyễn Văn Thịnh – Giám đốc HTX, cho biết: Với chăn nuôi rắn truyền thống, thức ăn chủ yếu là cóc, nhái, chuột… được khai thác hoàn toàn ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, khi số lượng rắn nuôi của HTX càng phát triển, kéo theo nguồn thức ăn trong tự nhiên ngày càng trở nên khan hiếm, điều này ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất và sự phát triển của HTX.
Cuối năm 2009, HTX được chọn thí điểm thực hiện đề tài nghiên cứu: “Chế biến thức ăn mới cho rắn hổ mang để chủ động nguồn thức ăn và bảo vệ sinh thái môi trường” của Sở KH&CN.
Tham gia đề tài, HTX được hỗ trợ sử dụng thức ăn cho rắn là gà, vịt con thải loại. Nhận thấy hiệu quả của cách làm này, từ đó đến nay, HTX sử dụng 100% thức ăn mới là gà, vịt con thải loại.
Cùng với chủ động nguồn thức ăn, hạn chế sự phụ thuộc vào môi trường tự nhiên, HTX chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi kiên cố bằng gạch, xi măng và chia thành từng ô theo đúng tiêu chuẩn, bảo đảm mát về mùa hè, ấm về mùa đông; chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh cho rắn.
HTX còn thành lập đội kỹ thuật gồm 5 người chuyên chữa bệnh cho rắn nuôi của các hộ thành viên. Nguồn rắn hổ mang giống, rắn thương phẩm do HTX sản xuất ra luôn đạt chuẩn về chất lượng.
Mô hình chăn nuôi rắn hổ mang tại HTX Thịnh Hưng |
Hiệu quả từ hướng đi mới
Hiện tại, HTX có 50 thành viên tham gia. Số lượng rắn nuôi của HTX đạt khoảng hơn 30.000 con rắn sinh sản, gấp hơn 60 lần so với thời điểm mới thành lập; doanh thu, lợi nhuận của HTX tăng lên.
Từ đầu năm 2018 đến nay, HTX cung ứng cho thị trường hơn 20.000 con rắn giống; hơn 300 bình rượu rắn; hơn 100kg cao rắn, 5.000 chai rượu rắn; doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng.
Trong quá trình chế biến các sản phẩm từ rắn, gồm: Rượu rắn, cao rắn… để cung ứng ra thị trường, HTX đặc biệt quan tâm đến chất lượng sản phẩm. Tất cả các sản phẩm của HTX sản xuất ra đều đăng ký chất lượng, có mã vạch và được Cục ATVSTP của Bộ Y tế cấp Giấy chứng nhận ATVSTP.
Năm 2017, HTX phối hợp với công ty CP Công nghệ sinh học DNA Việt Nam, Trung tâm Y học Thể thao thực hiện đề tài nghiên cứu sản xuất thực phẩm chức năng chiết xuất từ thịt rắn hổ mang và đang trong quá trình hoàn thiện.
Thời gian tới, HTX tiếp tục hoàn thành các thủ tục đưa vào sản xuất đại trà sản phẩm thực phẩm chức năng chế biến từ rắn hổ mang để xuất bán sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản.
Tuy nhiên, để sản phẩm mang thương hiệu rắn Vĩnh Sơn ngày càng vươn xa, HTX mong muốn các cấp, các ngành tạo điều kiện cho HTX về mặt bằng để chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ rắn; quan tâm, hỗ trợ vốn; kéo dài hạn mức cho vay từ 1 năm lên 3 – 5 năm để người dân chủ động phát triển sản xuất, bởi, chăn nuôi rắn cần nguồn vốn lớn và chu kỳ thu hoạch rắn thương phẩm ít nhất phải 2 – 3 năm.
Theo thời báo kinh doanh