Đoàn cán bộ Liên minh HTX Việt Nam do đồng chí Đào Xuân Cần, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, dẫn đầu đi nghiên cứu, khảo sát, học tập kinh nghiệm phát triển HTX tại CHLB Đức, đã đến thăm và làm việc với hai HTX là HTX nông nghiệp Berghof và HTX thủy sản Kӧllnitz (đều tại bang Brandenburg).
Hai HTX này được xem là những HTX chuyển đổi thành công từ mô hình HTX kiểu cũ (thời CHDC Đức) nay chuyển sang mô hình HTX kiểu mới, hoạt động theo cơ chế thị trường hiệu quả.
Đoàn công tác và cán bộ xã viên HTX Berghof
HTX nông nghiệp Berghof được thành lập và hoạt động trong thời kỳ Cộng hòa Dân chủ Đức; Berghof là một HTX chuyên về trồng trọt với 3000 ha đất nông nghiệp, 50 cơ sở chăn nuôi nhỏ năng xuất thấp, vào thời điểm đó vùng này có 6 HTX, 5 HTX đã giải thể duy có HTX Berghof với mong muốn chuyển đổi đã tập hợp được 70 thành viên trụ cột gắn bó, tâm huyết để xây dựng HTX, trong 70 người đó phần nhiều tự nguyện làm việc cho HTX.
Tự nguyện và tâm huyết
Ông chủ tịch HTX cho biết việc chuyển đổi được diễn ra rất thuận lợi bởi tất cả các thành viên tâm huyết đều nhất trí xây dựng một kế hoạch kinh doanh mới phù hợp với kinh tế thị trường, HTX mời các chuyên gia kinh tế tư vấn về kế hoạch kinh doanh, mời luật sư tư vấn về mặt pháp lý về việc chuyển đổi sang HTX kiểu mới như thế nào? Tại Đại hội xã viên chuyển đổi HTX đã thông qua Điều lệ mới theo luật HTX của CHLB Đức.
Các HTX giải thể là do có sự bất đồng giữa các thành viên, những thành viên kinh doanh giỏi thì ra lập doanh nghiệp riêng, những thành viên nhiều tuổi thì có hệ tư tưởng HTX kiểu cũ không thích ứng với cơ chế thị trường CHLB Đức.
Chủ tịch HTX Berghof cũng cho biết, đa số các HTX nông nghiệp thời CHDC Đức được giải thể sau đó một nhóm người tâm huyết thì thành lập mới HTX trên cơ sở diện tích canh tác còn lại nhỏ hơn vì trong các thành viên thì không phải ai cũng nhất trí tham gia HTX.
HTX kiểu mới hoạt động như một loại hình doanh nghiệp hoàn toàn tự chủ trong hoạt động kinh doanh, tự chủ trong việc sử dụng lao động, tuyển dụng những người làm được việc, sa thải những cán bộ không làm được việc trong số người bị sa thải thậm chí là xã viên HTX. Các xã viên bị sa thải được HTX trả lại phần vốn đã góp cho HTX.
Đoàn cũng thực sự ấn tượng về cơ sở vật chất và tổ chức hoạt động hiệu quả của HTX này, với 14 xã viên 9 xã viên là người lao động trực tiếp, 11 người lao động không là xã viên HTX. Địa bàn hoạt động với chiều dài 12 km, chiều rộng 15 km khoảng 2500 ha đất sử dụng canh tác thuộc sở hữu tư nhân (sở hữu tập thể thời CHDC Đức), 270 con bò giống, 600 con cừu, trang trại gà, trang trại bò sữa 250 con cho hơn 9000 lít sữa/con/năm (thời CHDC Đức 3500 lít/con/năm). HTX có xưởng sửa chữa máy công cụ nông nghiệp cho xã viên với 20 thợ lành nghề, doanh số 4 triệu Euro/năm (tương đương khoảng 120 tỷ đồng).
HTX thủy sản Kӧllnitz: Là HTX thủy sản được chuyển đổi từ HTX kiểu cũ Đông Đức sang HTX kiểu mới CHLB Đức. Ông Shoene, Chủ nhiệm HTX cho biết, thời kỳ đầu chuyển đổi HTX gặp rất nhiều khó khăn: như phải cạnh tranh ngoài thị trường, tài sản không có, không mở rộng được sản xuất kinh doanh… Lúc đó câu hỏi lớn được đặt ra là làm thế nào để tồn tại HTX? Và rồi, cuối cùng các thành viên đã đoàn kết nhất trí, quyết tâm xây dựng HTX. HTX đã mở thêm nhiều dịch vụ khác như: du lịch, chế biến cá theo phương thức truyền thống để gây hấp dẫn cho du khách.
Linh hoạt, tự chủ, tự chịu trách nhiệm
Hiện nay, Kӧllnitz là HTX thủy sản đầu tiên của Đức có nhà hàng đặc sản cá, có khách sạn, bảo tàng nhỏ trưng bày công cụ, sản phẩm nghề cá… Hiện HTX có doanh thu: 1.000.000 Euro/năm.
Điều đặc biệt ở HTX Kӧllnitz là khai thác cá tự nhiên trên diện tích 1000 ha mặt hồ, HTX thu mua cá từ các xã viên chủ yếu phục vụ cho người dân trong vùng và du khách đến thăm HTX. Chủ nhiệm Shoene cho biết ở Đức xin giấy phép hồ nuôi cá tự nhiên khó hơn xin giấy phép xây nhà máy thủy điện.
Có thể nói, đây là một mô hình sáng tạo mà HTX ở Việt Nam có thể học tập xây dựng kết hợp giữa khai thác, nuôi trồng và các loại hình dịch vụ khác nhằm đa dạng hóa hoạt động sản xuất kinh doanh tăng nguồn thu cho HTX.
Trong suốt thời gian làm việc với hai HTX, thành viên trong đoàn tích cực đặt các câu hỏi cho các ông chủ nhiệm HTX như: sự hỗ trợ từ Liên đoàn HTX, Hiệp hội HTX vùng, nhà nước khi HTX gặp khó khăn… Câu trả lời là: HTX bình đẳng như doanh nghiệp, vai trò hỗ trợ của Liên đoàn HTX, các hiệp hội vùng là rất lớn đặc biệt trong lĩnh vực tư vấn kiểm toán, thuế, và luật pháp. Các chủ nhiệm HTX đều đưa ra những bài học chuyển đổi HTX thành công hay không thành công phần lớn do những nguyên nhân chính là: xã viên (họ có muốn HTX của mình tồn tại hay không? Họ còn tha thiết là xã viên HTX nữa hay không?); vai trò cá nhân của người đứng đầu (việc thành bại của HTX phụ thuộc rất nhiều vào Chủ nhiệm HTX); phải có kế hoạch kinh doanh trong tình hình mới; phải có năng lực tốt để triển khai ý tưởng kinh doanh; HTX phải biết tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho những quyết định của mình kể cả khi nhận được sự trợ giúp từ chính phủ hay tổ chức đại diện.
Qua nghiên cứu, khảo sát thực tiễn và trao đổi với lãnh đạo, xã viên của các HTX nơi đây, Chủ tịch Đào Xuân Cần cho rằng đây là những kinh nghiệm hết sức quý báu và rất sát thực với Việt Nam, các HTX của Việt Nam có thể vận dụng linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực thế của mình để củng cố, đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế trong điều kiện Việt Nam.
Nguyễn Thế Phương (Phó Trưởng ban TTTT-Giám đốc TTTT)
nguồn (vca.org.vn)