Những tư tưởng, lý luận mang tính hệ thống đầu tiên về HTX được công bố tại Việt Nam trong tác phẩm “Đường Kách Mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Còn tổ chức đầu tiên chính thức mang tên HTX tại Việt Nam ra đời vào tháng 3/1948 ở Thái Nguyên. Đó là HTX Thủy tinh Dân chủ và tiếp theo là nhiều HTX nông nghiệp tại gần chiến khu Việt Bắc trong những năm 1948 – 1949
Lý luận đầu tiên về HTX ở Việt Nam
Trong tác phẩm “Đường Kách Mệnh” công bố năm 1927, tác giả Nguyễn Ái Quốc đã dành một chương để trình bày những vấn đề lý luận HTX một cách rõ ràng và sâu sắc. Đây là kết quả được lãnh tụ Nguyễn Ái
Quốc nghiên cứu kinh nghiệm mô hình HTX của các nước đang phát triển và có nhiều HTX như Anh, Pháp, Đức, Đan Mạch và Nga… trong suốt những năm bôn ba ở nước ngoài.
Có thể nói, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người đầu tiên ở Việt Nam đã tổng hợp, đúc kết các kiến thức, kinh nghiệm về mô hình kinh tế hợp tác thành những lý luận cơ bản về HTX.
Những khái niệm về HTX với tư cách là một mô hình kinh tế được Nguyễn Ái Quốc giải thích đơn giản, dễ hiểu nhưng rất sâu sắc và thuyết phục. Đơn cử như cách tác giả nói về lợi ích nhờ HTX: “Nếu chúng ta đứng riêng ra, thì sức nhỏ, mà làm không nên việc.
Thí dụ, mỗi người mang một cái cột, một tấm tranh ở riêng mỗi người một nơi, thì lều chẳng ra lều, nhà chẳng ra nhà. Nhóm những cột ấy, tranh ấy, sức ấy, làm ra một cái nhà rộng rãi bề thế rồi anh em ở chung với nhau. Ấy là HTX.
Lại thí dụ mười người muốn ăn cơm, mỗi người riêng một nồi, nấu riêng một bếp, nấu rồi ăn riêng; ăn rồi ai nấy dọn dẹp riêng của người nấy, thế thì mất bao nhiêu củi, nước, công phu, thì giờ.
HTX là “góp gạo thổi cơm chung” cho khỏi hao của, tốn công, lại có nhiều phần vui vẻ” Tác phẩm “Đường Kách Mệnh” đã đúc rút những lý luận và kinh nghiệm HTX của thế giới một cách hệ thống.
Quan niệm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lúc đó về HTX rất đúng với nhận thức chung của quốc tế của các nước hiện nay, của các tổ chức quốc tế về HTX về cách hiểu, về giá trị và nguyên tắc và cách thức tổ chức HTX với tư cách là một bộ phận trong nền kinh tế hàng hóa, chịu sự cạnh tranh nói chung.
HTX là mô hình kinh tế, nhưng không thay thế kinh tế hộ gia đình, thay thế sự độc lập của mỗi người nông dân hay người dân, người lao động nói chung. Điều này đúng như tác giả Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Hạt nhân, trung tâm của HTX là xã viên; xã viên hợp tác với nhau để có lợi ích thiết thực và vẫn duy trì tính độc lập của mình; xã viên là chủ đích thực của HTX, là mục tiêu mà HTX phải phục vụ; HTX là phương tiện để phục vụ xã viên, phải bảo đảm đem lại lợi ích cho xã viên – thực là “HTX là nhà, xã viên là chủ”.
Có thể nói thêm, mặc dù là tư tưởng, là lý luận đầu tiên ở Việt Nam về HTX, nhưng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thể hiện tài tình với ngôn ngữ chân phương, rất ngắn gọn và dễ hiểu. Tác giả đã thuyết phục về mô hình HTX bằng những so sánh, ví dụ thực tế của Việt Nam, rất Việt Nam như: “Ngoài Bắc là xứ trồng chè, trong Nam là hay uống chè. Nhưng dân Bắc không đem vào Nam bán, dân Nam không ra tới Bắc mua”… “Mấy nhà có chè đem bán cho công ty A rồi công ty này lại bán tiếp cho các công ty B, C, D…
Đến tay người uống giá đã tăng 6 lần, 8 lần…”.
Và tác giả kết luận: “Thế là người làm ra chè thua thiệt, người uống chè cũng thua thiệt. Nếu có HTX thì tránh khỏi những điều ấy. HTX là nhóm đơn lẻ thành số đông, từ đó tạo thành sức mạnh mà nhu cầu và lợi ích chung, trước hết là lợi ích kinh tế, là sợi dây gắn kết xã viên”.
Theo thời báo kinh doanh