Quảng Ninh hiện có nhiều HTX mới thành lập đang gặp khó khăn, rất cần sự quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn từ các cấp, ngành và cơ quan chức năng của tỉnh.
![]() |
HTX Na dai Đông Triều (xã Tân Việt, TX Đông Triều) phát huy lợi thế để mang thương hiệu địa phương |
Theo số liệu của Liên minh HTX tỉnh, trong năm 2017 toàn tỉnh có 105 HTX được thành lập mới, trong đó 63 HTX nông nghiệp, 42 HTX phi nông nghiệp.Tính đến hết tháng 5/2018 toàn tỉnh có 18 HTX được thành lập mới, đạt 24% kế hoạch năm. Các HTX thành lập mới phát triển về quy mô, đa dạng ngành nghề, trình độ quản lý. Kết quả này cho thấy, thời gian qua nhiều chính sách hỗ trợ của tỉnh đã phát huy được hiệu quả rõ rệt, tạo cơ hội cho các HTX phát triển.
Có thể kể đến là Quyết định 899/2017/QĐ-UBND, ngày 29/3/2017 của UBND tỉnh về quy định điều kiện áp dụng chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017-2020. Theo đó, các HTX đã chủ động thực hiện đầu tư phát triển sản xuất vào lĩnh vực nông nghiệp gồm: Bảo quản, chế biến kinh doanh sản phẩm nông nghiệp có lợi thế; đầu tư hệ thống nhà xưởng, kho lạnh, dây chuyền sản xuất, cửa hàng, gian hàng trưng bày sản phẩm… Đặc biệt ưu tiên các dự án đầu tư phát triển sản phẩm trong chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) cũng như sản phẩm có lợi thế địa phương; tiêu chí của các sản phẩm OCOP phát triển theo chuỗi sản phẩm có quy mô lớn, hàm lượng khoa học trong sản phẩm cao…
Cùng với đó, các chính sách về vốn cũng được thay đổi để phù hợp với nguồn đầu tư của các HTX, như Quyết định số 1071/QĐ-UBND, ngày 10/4/2017 của UBND tỉnh ban hành về quy định cho vay từ nguồn vốn tín dụng phát triển HTX trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Quyết định này đã nâng mức vay tối đa từ 500 triệu đồng lên 1 tỷ đồng cho một dự án. Đồng thời, mở rộng đối tượng cho vay các hộ gia đình là thành viên của HTX được vay tối đa là 100 triệu đồng/hộ để góp vốn thực hiện dự án vào HTX hoặc liên hiệp HTX. Với lãi suất vay 0,55%/tháng và 0,65%/năm áp dụng cho cả vay ngắn hạn và dài hạn nhưng không vượt quá 60 tháng…
Với những chính sách hỗ trợ hiệu quả trên đã là động lực để các HTX phát triển lên quy mô lớn mang lại hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Đơn cử HTX Nông, lâm nghiệp và Dịch vụ Húc Động (xã Húc Động, huyện Bình Liêu) được thành lập cuối năm 2016 với 7 thành viên. Ông Trần Văn Hoàng, Giám đốc HTX, cho biết: Nhờ chính sách hỗ trợ của nhà nước mà HTX được thành lập trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm miến dong thương hiệu Bình Liêu. HTX đầu tư 700 triệu đồng mua dây chuyền máy làm miến hiện đại tự động hóa cao. Điều này làm tăng năng suất, giảm sức lao động, sản phẩm chất lượng tốt hơn. Sau gần 2 năm thành lập, hiện HTX đã có 9 thành viên bình quân sản xuất đạt 30 tấn miến dong/năm đạt doanh thu 1,3 tỷ đồng.
![]() |
Nhiều sản phẩm của các HTX được gắn nhãn hiệu OCOP. (Trong ảnh: Đóng gói sản phẩm tại HTX Nông dược xanh Tinh Hoa, xã Quảng La, huyện Hoành Bồ) |
Thành lập từ đầu năm 2017, HTX Nông nghiệp Xuân Hưng (phường Xuân Sơn, TX Đông Triều) cũng đã nắm bắt nhanh chóng những lợi thế để đầu tư phát triển sản xuất. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Giám đốc HTX cho biết: Do có diện tích nằm sát sông Cầm, có lợi thế sản vật rươi, cáy, HTX đã tham gia nuôi thí điểm rươi trên 2ha được quy hoạch. Con giống được Trung tâm khuyến nông tỉnh hỗ trợ. Dự kiến đến tháng 10/2018 sẽ cho thu hoạch. Cùng với đó, HTX đầu tư 20 lồng để nuôi cá lăng trên sông Cầm, đây là mô hình hứa hẹn phát triển của HTX…
Bên cạnh một số HTX thành lập mới đã phát huy hiệu quả thì vẫn còn nhiều HTX thành lập hoạt động kém. Để nâng cao hiệu quả cho các HTX thành lập mới, theo ông Vũ Công Lực, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, trước tiên cần nâng cao nhận thức của bộ máy quản lý nhà nước và xã hội nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển HTX. Đồng thời, tỉnh cần có giải pháp riêng hỗ trợ chính sách về khoa học công nghệ, vốn tín dụng, đầu tư cơ sở hạ tầng, thông tin tiếp cận thị trường, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản, an toàn…
Cùng với đó, tỉnh cần nhân rộng mô hình HTX hoạt động có hiệu quả tốt; tăng thời gian gặp gỡ, tiếp xúc với chủ HTX; có kế hoạch làm việc với các địa phương tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất 1 lần/năm để nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, nắm bắt, kiến nghị, giúp các HTX tiếp cận được các nguồn vốn, chính sách pháp luật về đất đai, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường.
Theo báo Quảng Ninh