Thanh niên khởi nghiệp từ HTX: Sức sống mới của kinh tế hợp tác

Ngày càng có nhiều bạn trẻ lựa chọn môi trường HTX để lập thân lập nghiệp. Những HTX kiểu mới do thanh niên làm chủ thực sự đã mang đến sức sống mới của kinh tế hợp tác trong bối cảnh phần lớn đội ngũ lãnh đạo các HTX có tuổi đời cao, hầu hết chưa qua đào tạo, hoạt động kém hiệu quả.

HTX Thanh niên Nam Đàn có trụ sở tại xã Nam Anh (huyện Nam Đàn) là mái nhà chung ý tưởng của 12 thanh niên đến từ nhiều miền quê khác nhau của tỉnh Nghệ An.

Mỗi thành viên là những chủ trang trại hoạt động trên các lĩnh vực khác nhau như chăn nuôi, trồng trọt… nhưng đã gắn kết rồi tự nguyện thành lập HTX với mục đích nâng cao giá trị sản phẩm theo quy trình VietGAP, hình thành chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.

HTX của những ông chủ trang trại trẻ

Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Thanh niên Nam Đàn là Lê Cảnh Hiếu có tuổi đời còn rất trẻ. Sinh năm 1990, là kỹ sư khoa Nông lâm, trường Đại học Vinh; trước khi có ý tưởng kêu gọi thành lập HTX Thanh niên Nam Đàn, Hiếu đã có trong tay cơ ngơi mà nhiều bạn trẻ cùng trang lứa phải ghen tị: một nhà lưới trồng dưa chuột, dưa lưới… theo công nghệ tưới nhỏ giọt Israel và một trang trại tổng hợp.

Lê Cảnh Hiếu tâm sự: “Mình không chịu được sự gò bó, thích tự làm chủ bản thân, tự làm chủ thời gian, công việc, thu nhập… nên mới về quê lập trang trại, xây dựng mô hình nhà lưới”.

Tại vùng Đô Lương (Nghệ An), 15 ông chủ trang trại ở các miền quê như Yên Thanh, Tân Kỳ, Thanh Chương, Tương Dương… có tuổi đời còn trẻ nhưng chung ý tưởng đã tự nguyện thành lập HTX Nông nghiệp sạch và dịch vụ thanh niên Nghệ An.

Những ông chủ trẻ này đã rất thành công với các mô hình trang trại chăn nuôi, trồng trọt tại địa phương nhưng đầu ra sản phẩm có thời điểm gặp khó khăn, quy mô hoạt động vẫn còn tính tự phát…

Anh Trần Hữu Đức – chủ trang trại tổng hợp 10ha, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch và dịch vụ thanh niên Nghệ An, cho biết: “Trên cơ sở này, chúng tôi đã quyết định thành lập HTX để có sự ràng buộc hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; hình thành chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng để nâng cao thu nhập”.

Theo khảo sát sơ bộ của Liên minh HTX Nghệ An, đến thời điểm hiện tại đang có khoảng hơn 30 HTX do thanh niên trẻ làm chủ. Ông Nguyễn Đình Trương – Trưởng phòng Phát triển HTX, Liên minh HTX Nghệ An, cho hay: Những HTX do thanh niên làm chủ mới được thành lập sau khi có Luật HTX 2012 ra đời. Ban lãnh đạo, các thành viên HTX đều có tuổi đời trẻ, có tri thức, tự lực cánh sinh trong hoạt động, có ý chí làm giàu, có tư duy mới, khả năng tiếp cận và vận dụng kiến thức, khoa học kỹ thuật rất nhanh nhạy.

Không riêng tại Nghệ An, các tỉnh thành khác cũng đã xuất hiện nhiều HTX do thanh niên trẻ làm chủ với thành viên là các chủ trang trại, mô hình phát triển kinh tế ở địa phương.

Tại tỉnh Hà Tĩnh cũng đã xuất hiện nhiều mô hình HTX do thanh niên “đứng mũi chịu sào”. Những HTX đầu tàu do thanh niên làm chủ như HTX trồng nấm, mua bán và dịch vụ tuổi trẻ xã Thạch Hạ (Tp. Hà Tĩnh), HTX chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp Hòa Phát ở xã Kỳ Tân (Kỳ Anh).

Tại tỉnh Quảng Bình, phong trào lập nghiệp từ HTX cũng đã được các bạn trẻ hưởng ứng mạnh mẽ. Nhiều năm qua, các mô hình kinh tế HTX do thanh niên làm chủ xuất hiện ngày càng nhiều. Nhiều bạn trẻ sau khi học xong đã xác định lập nghiệp từ con đường thành lập HTX.

Ông Ngô Gia Thởi – Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Bình – cho biết: “Ngày càng có nhiều thanh niên lựa chọn HTX làm điểm xuất phát trên con đường lập thân lập nghiệp. Họ muốn gắn kết với nhau theo hoạt động của chuỗi giá trị, vì nếu cứ làm ăn nhỏ lẻ, thiếu liên kết thì không bền vững. Các HTX do thanh niên làm chủ thực sự đã tạo ra luồng gió mới cho kinh tế hợp tác, HTX trên địa bàn bởi sự nhanh nhạy, có tư duy đổi mới, dám nghĩ dám làm”.

khoi-nghiep-JPG-9487-1534287126.jpg

Anh Lê Cảnh Hiếu, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc của HTX Thanh niên Nam Đàn kiểm tra dưa lưới

Cần nhiều sự quan tâm

Những mô hình HTX do thanh niên làm chủ đang ngày càng phát huy hiệu quả cao trong việc tăng thu nhập, giải quyết việc làm, tạo hiệu ứng xã hội tích cực cho phong trào đoàn, hội ở mỗi địa phương.

Thực tế cho thấy, ở các mô hình HTX này, chính các thành viên sẽ là những người sản xuất cho mình, tự mình sản xuất, tự mình kinh doanh, tự làm hiệu quả cho chính mình.

Khi các mô hình này được vận hành dưới “bàn tay” của những người trẻ thì hiệu quả sẽ tăng lên gấp bội do ở họ có sự sáng tạo, có trí tuệ, nhanh nhạy nắm bắt thị trường và chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Theo tìm hiểu tại các HTX đang “ăn nên làm ra”, mỗi nhiệm vụ được phân công cho từng người theo sở trường, năng lực; mỗi người mỗi mảng. Từ đây, một vòng tròn tương đối khép kín được hình thành, bảo đảm hỗ trợ nhau kịp thời, hạn chế chi phí trong sản xuất, nâng cao lợi nhuận cho toàn HTX và mỗi thành viên.

Theo anh Lê Cảnh Hiếu – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Thanh niên Nam Đàn (Nghệ An), việc thành lập HTX không chỉ bảo đảm tính tương trợ lẫn nhau mà còn giúp các thành viên có thêm cơ hội trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, gắn kết với các đối tác cung cấp đầu vào (giống, phân bón, kỹ thuật…), ổn định giá đầu ra, hạn chế tình trạng ép giá, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều (sản phẩm không đủ cung, giá cao hơn do thực hiện sản xuất sạch, không phải lo đầu ra…) do thực hiện tốt liên kết theo chuỗi giá trị.

Một kết quả lớn mà ít người không ngờ đến khi những bạn trẻ lựa chọn HTX làm nơi khởi nghiệp, chính là loại hình kinh tế hợp tác, HTX tương đối “vừa sức” khi các thành viên tùy theo khả năng, điều kiện cụ thể để góp vốn vào sản xuất kinh doanh. Vì thế đã tháo gỡ rất nhiều “bế tắc” cho các bạn trẻ trước nỗi lo thiếu vốn khởi nghiệp.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh Ngô Xuân Hồng chia sẻ: “Hiệu quả xã hội đối với những HTX do thanh niên làm chủ là kích thích ý chí, nghị lực, tinh thần khởi nghiệp cho thế hệ trẻ.Những mô hình HTX do thanh niên làm chủ không nói thì ai cũng biết về tính hiệu quả bởi họ tập hợp được những thanh  niên trẻ có hoài bão, có khát vọng làm giàu, có tri thức, có kiến thức, tiếp cận khoa học kỹ thuật nhanh nhạy… hơn so với các HTX khác”.

Tuy nhiên, hoạt động của các HTX thanh niên trẻ cũng còn gặp nhiều trở ngại, thách thức. Anh Trần Hữu Đức – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch và dịch vụ thanh niên Nghệ An – tâm sự: “Chúng tôi dự định sẽ cho ra đời những sản phẩm khép kín từ đầu vào đến đầu ra; có lò mổ, khu bảo quản hàng nông sản, hệ thống cửa hàng phân phối… nhưng đang “kẹt” vốn, quỹ đất. Theo tôi được biết chủ trương là có hỗ trợ nhưng việc tiếp cận còn khó khăn”.

Một nguyên nhân khách quan rất cần sự hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền là các HTX do thanh niên làm chủ do vốn sống, thời gian hoạt động chưa nhiều nên kinh nghiệm quản lý, điều hành, xử lý các vấn đề nảy sinh… còn vướng mắc.

Ông Ngô Xuân Hồng – Phó Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh – cho rằng: Phát triển HTX thanh niên là vấn đề cần thiết nhưng thực tế còn thiếu sự quan tâm đồng bộ của các cấp.

Người xưa thường nói “Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già”. Nhưng, sự thay thế dần đội ngũ cán bộ quản lý HTX bằng những người trẻ có đam mê, nhiệt huyết, trình độ là thực sự cần thiết.

Để “luồng gió mới” này phát huy hiệu quả, trước hết tổ chức Đoàn cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, các ngành, các địa phương cũng không thể ở ngoài cuộc mà cần quan tâm, định hướng, tiếp lửa cho những ước mơ, khát vọng khởi nghiệp của thế hệ trẻ ngay trong môi trường HTX.

Thanh Hải

Nguồn: thoibaokinhdoanh.vn

Tin liên quan