Tổ hợp tác Phong Hòa đưa mận roi "vượt rào" vào siêu thị

 

Với phương trâm sản xuất sạch, tăng cường liên kết để nâng cao vị thế của người nông dân, THT mận roi xã Phong Hòa đang trở thành đơn vị tiên phong, thành công với mô hình trồng mận roi bao lưới tại “thủ phủ” mận roi huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.

Ngay sau khi thành lập, THT Phong Hòa tiến hành phối hợp với chính quyền đại phương, Hội Làm vườn tỉnh Đồng Tháp, mở nhiều khóa tập huấn nhằm nâng cao năng lực, hỗ trợ thành viên tiếp cận các mô hình sản xuất an toàn theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

“Mắc màn” cho mận roi

Từ những buổi tập huấn cùng chuyên gia trồng trọt, các thành viên của THT nắm vững các kiến thức về phương thức sản xuất mới, tiến hành phát triển mô hình trồng mận roi bao lưới thay cho cách sản xuất truyền thống.

Bao lưới là hình thức canh tác mới, các nhà vườn tiến hành phủ lưới cước lên toàn bộ diện tích trồng cây. Chi phí cho nhân công và lưới cước khá cao, dao động 5 – 7 triệu đồng/công (1.000m2), thời gian sử dụng trong vòng 2 – 3 năm.

Chi phí ban đầu khá tốn kém, song mô hình này lại đem lại hiệu quả kinh tế cao. Về sản xuất, hệ thống lưới hạn chế tối đa ảnh hưởng của các loại côn trùng gây bệnh (ông chuỗi, sâu bướm…), giảm 50 – 60% (6 – 7 triệu đồng/công) chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật.

Về chất lượng, tỷ lệ trái đạt chuẩn trong mô hình nhà lưới đạt 75 – 85% (cao gấp 4 – 6 lần so với phương thức truyền thống, khoảng 15%). Năng suất nhà vườn sử dụng lưới có thể đạt 7 – 9 tấn/năm, tỷ lệ hao hụt, quả lép thấp.

Ông Nguyễn Bé Năm – Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Lai Vung, cho hay: “Mô hình mận roi bao lưới là một sáng kiến đem lại hiệu quả vượt bậc, giảm thiểu dịch bệnh, bảo đảm quá trình sinh trưởng tốt của cây, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng, gia tăng giá trị sản xuất cho bà con”.

“Bên cạnh việc bao lưới, bà con Phong Hòa còn tiến hành kỹ thuật tuyển trái (lựa chọn trái đẹp) vào giai đoạn trái còn non, giúp mận roi có kích thước, màu sắc đồng đều, đẹp mắt, có sức cạnh tranh cao trên thị trường”, ông Năm nói thêm.

Phương thức sản xuất tiến bộ, năng suất và chất lượng sản phẩm được nâng tầm, THT Phong Hòa nhận được nhiều sự quan tâm thu của các doanh nghiệp thực phẩm uy tín. Kể từ giữa năm 2015, toàn bộ sản phẩm của THT được công ty VinEco (tập đoàn Vingroup) bao tiêu với giá cao hơn thị trường 20 – 25%.

Ông Nguyễn Văn Nguyên – Tổ trưởng THT, cho hay: “Bình quân mỗi ngày THT xuất bán 1 – 1,5 tấn quả cho công ty VinEco, với mức giá ổn định 14.000 – 16.000 đồng/kg (giá thị trường khoảng 7.000 đồng/kg). Bà con thường xuyên được hỗ trợ về kỹ thuật, vốn vay trong quá trình sản xuất”.

Mô hình bao lưới vườn mận roi của THT Phong Hòa

“Bước ngoặt” cho xã viên

Số liệu thống kê của THT cho thấy, với mức giá ổn định, năng suất cao, bình quân người trồng mận roi thu về 40 – 50 triệu đồng/công (cao hơn nhiều lần so với hình thức cũ, khoảng 15 – 20 triệu).

Năm 2015, THT – thành lập với 17 thành viên, diện tích sản xuất chưa đầy 0,3ha. Chỉ sau 2 năm hoạt động, THT đã tạo ra sức lan tỏa lớn, với hàng chục hộ thành viên mới tham gia, đẩy diện tích canh tác của THT lên hơn 20ha trong năm 2016. Nhìn vào những thành công hiện tại, khó có thể tưởng tượng trồng mận roi tại Phong Hòa đã từng trải qua một thời gian dài bấp bênh, có thời điểm người dân phải chặt bỏ vườn cây, chuyển sang loại cây khác.

Ông Lê Hồng Du – thành viên THT, chia sẻ: “Trồng mận roi bắt đầu thịnh hành từ năm 2005. Thời điểm đó, bà con trồng theo phong trào, cứ đến hẹn lại lên, năng suất là trời cho, giá bán phụ thuộc vào thương lái. Thị trường mận roi rất bấp bênh, được mùa thì mất giá, giá được thì mất mùa”.

“Đỉnh điểm vào năm 2011, mận roi mất giá chỉ còn 1.000 – 1.500 đồng/kg, thu không đủ bù chi. Thua lỗ kéo dài khiến nhiều vườn phải chặt mận roi trồng cây khác. Đến năm 2013, khi diện tích mận giảm mạnh, giá tăng lên, người dân lại không còn để bán”, ông Du kể lại.

Khi “bài toán” thị trường trở nên bế tắc, sự thành lập của THT mận roi Phong Hòa giống như lời giải cho bài toán cung – cầu, ổn định lại thị trường, hồi sinh các vựa trồng mận roi, vốn đang lay lắt, trên địa bàn xã Phong Hòa.

Ông Nguyễn Văn Nguyên chia sẻ: “Ngay từ khi thành lập, THT đã xác định sản xuất sạch và tăng cường liên kết là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững. Chỉ với những sản phẩm chất lượng cao, cùng sức mạnh của sự liên kết, người nông dân mới có vị thế để kết nối, hợp tác bình đẳng với doanh nghiệp, thị trường lớn”.

Bên cạnh đẩy mạnh chiến lược tăng cường liên kết với các doanh nghiệp để xúc tiến thương mại, mở rộng và hướng tới những thị trường lớn hơn cho sản phẩm, THT Phong Hòa cũng đang thực hiện kế hoạch mở rộng quy mô, sản xuất tập trung, tạo nền tảng để người dân phát triển du lịch miệt vườn, gia tăng giá trị.

Theo Thời báo kinh doanh