Từ công tác tuyên truyền đến hiệu quả thực tiễn

Ngày 18/7/2014, tại Nam Định, Viện Phát triển kinh tế hợp tác phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Nam Định tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả của hoạt động tuyên truyền công nghệ xử lý rơm rạ tại ruộng làm phân bón sinh học nhằm bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững tại HTX Nghĩa Thái, tỉnh Nam Định (sau lớp tập huấn “Tuyên truyền phổ biến phương pháp xử lý chất thải trong HTX nông nghiệp” tại Nam Định ngày 16/06/2014). Tham gia kiểm tra, đánh giá tại hiện trường gồm có: Lãnh đạo và các cán bộ Viện Phát triển kinh tế hợp tác, Lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Nam Định, Giám đốc Trung tâm Thông tin – Đại diện Liên minh HTX Việt Nam, Lãnh đạo công ty Cổ phần công nghệ sinh học, cùng các giám đốc các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Với phương pháp dùng “Chế phẩm vi sinh (Fito-Biomix RR) để xử lý rơm rạ và quy trình xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ nhờ sử dụng chế phẩm này”, khu vực làm thí điểm là HTX Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, sản phẩm cuối thu được sau quá trình gần một tháng tiến hành ủ là rất khả quan: Rơm được ủ đã phân hủy gần như 100%, không mùi, không có bọ mát, đảm bảo những chỉ tiêu ban đầu đặt ra. Một điều đáng mừng là ngay tại thời điểm đoàn công tác kiểm tra, đã có khách hàng đặt mua sản phẩm của HTX Nghĩa Hưng để làm nguyên liệu sử dụng bón cho một số loại hoa màu như bầu giống bí xanh, đậu tương….đây là một kết quả kép ngoài mong đợi.

img2

Rơm ủ sau 01 tháng đã phân hủy hoàn toàn

Mỗi tấn rơm ủ sẽ cho 4 tạ phân hữu cơ trong đó chi phí chế phẩm sinh học để phân hủy 1 tấn rơm rạ khoảng 50.000 – 60.000 VNĐ. Như vậy, hiệu suất thu lại sản phẩm cao và chi phí đầu tư thấp mang lại hiệu quả vô cùng to lớn về kinh tế cũng như trong công tác bảo vệ môi trường. Điều đó cũng cho thấy việc tuyên truyền, vận động bà con cần phải đi đôi với việc tạo ra lợi ích thiết thực đi sâu vào trong thực tế đời sống và sản xuất. Viện Phát triển kinh tế hợp tác cũng đã tiến hành lấy mẫu và phân tích thành phần hóa học của sản phẩm, kết quả phân tích sẽ được công bố trong thời gian tới.

Ngoài ra, với phương pháp xử lý gốc rạ tại ruộng, kết quả đạt được đã có những dấu hiệu rất khả quan, chỉ sau 7 – 10 ngày đã có thể tiến hành bừa để cấy. Thời gian tiến hành được rút ngắn, triệt để và mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với mô hình cánh đồng mẫu lớn cũng như thực hiện tốt được chương trình cơ giới hóa trong sản xuất lúa gạo. Liên minh HTX tỉnh Nam Định đang theo dõi và so sánh giữa 1 thửa ruộng có sử dụng phương pháp xử lý gốc tại ruộng và 1 thửa ruộng không xử lý bằng phương pháp này và sẽ đưa ra những đánh giá phân tích theo tình hình thực tế.

iCED