Vai trò Hợp tác xã nông nghiệp trong chuỗi giá trị nông sản

Việt Nam là nước nông nghiệp, trong đó hơn 70% dân số sống ở vùng nông thôn và canh tác nông nghiệp. Trong chiến lược phát triển nông nghiệp và quá trình xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam hiện nay cho thấy rằng, hợp tác xã nông nghiệp đang có vai trò thiết yếu trong việc liên kết hộ nông dân đi lên sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, đặc biệt tạo ra sức cạnh tranh hàng hóa và chuỗi giá trị nông sản. Ở hầu hết các nước có phong trào hợp tác xã phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, CHLB Đức, Hoa Kỳ v.v.. khẳng định hợp tác xã nông nghiệp có vai trò chủ đạo trong việc cung ứng vật tư nông nghiệp, bao tiêu và tiếp thị sản phẩm cho người nông dân. Vai trò cung ứng vật tư, chế biên và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân đã trở thành công cụ đắc lực và hữu hiệu cho thành viên hợp tác xã, người nông dân yên tâm sản xuất, đồng thời tạo ra vòng tròn khép kín giữa người sản xuất – hợp tác xã – thị trường. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hầu hết các hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tuy thực hiện hoạt động cung cấp vật tư nông nghiệp, chế biến và tiêu thụ, tiếp thị sản phẩm nông sản nhưng vẫn còn rời rạc, cầm chừng nên không có sức cạnh tranh cao dẫn đến tâm trạng chung của thành viên hợp tác xã, người nông dân “khi được mùa thì rớt giá và chịu cảnh bị tư thương ép giá”. Trong mục tiêu thực hiện dự án “Điều tra năng lực sản xuất kinh doanh, dịch vụ và xây dựng mô hình hợp tác xã cung ứng vật tư, chế biến và tiêu thụ nông sản”, để xây dựng mô hình hợp tác xã phù hợp với điều kiện mới, ngày 24/10/2013 tại Hà Nội, Viện Phát triển kinh tế hợp tác tổ chức hội thảo “Phát huy vai trò của hợp tác xã nông nghiệp trong cung ứng vật tư, chế biến và tiêu thụ nông sản” nhằm tổng hợp và trao đổi ý kiến với các nhà khoa học, các nhà quản lý và với chính các HTX về tầm quan trọng của HTX nông nghiệp.

24.10-1

Toàn cảnh hội thảo

Tham dự hội thảo có hơn 70 đại biểu đại diện cho các Bộ, ngành, lãnh đạo Liên minh hợp tác xã và giám đốc một số hợp tác xã nông nghiệp của một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Ông Yukio Abe chuyên gia cao cấp về tư vấn phát triển hợp tác xã – Viện Hợp tác phát triển hợp tác châu Á của Nhật Bản (IDACA) đã tham dự và có bài thuyết trình về lịch sử hình thành, vai trò và kinh nghiệm của hợp tác xã nông nghiệp trong cung ứng vật tư, tiêu thụ và tiếp thị sản phẩm cho thành viên hợp tác xã, nông dân tại Nhật Bản.

24.10-2

Ông Yukio Abe – Chuyên gia cao cấp của IDACA

24.10-3

Ts. Nguyễn Thị Thúy Anh – Viện trưởng phát biểu khai mạc

Trong bài dẫn luận của mình, tiến sỹ Nguyễn Thị Thúy Anh – Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế hợp tác đã nhấn mạnh hoạt động dịch vụ đầu vào – đầu ra là nhiệm vụ trọng tâm của các hợp tác xã nông nghiệp. Hiện nay, cả nước có gần 10.000 hợp tác xã nông nghiệp thu hút trên 7 triệu thành viên hợp tác xã chiếm 55% số nông dân tham gia hợp tác xã. Theo số liệu điều tra Dự án “Điều tra năng lực sản xuất kinh doanh, dịch vụ và xây dựng mô hình hợp tác xã cung ứng vật tư, chế biến và tiêu thụ nông sản” cho thấy 18% số hợp tác xã có hoạt động cung ứng vật tư nông nghiệp, 8% hợp tác xã tham gia tiêu thụ nông sản và 26% số hợp tác xã tổ chức cả 2 hoạt động này. Tuy nhiên, nếu theo số liệu báo cáo của các hợp tác xã nông nghiệp thì 46,2% số hợp tác xã có hoạt động cung ứng vật tư phân bón.Trên thực tế, có rất ít hợp tác xã hoạt động dịch vụ chế biến gắn với tiêu thụ nông sản cho thành viên hợp tác xã. Nhưng các hợp tác xã tổ chức hoạt động dịch vụ này đều được coi là hoạt động tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, có 2 – 3% hợp tác xã chuyên chế biến nông sản trong tổng số các hợp tác xã nông nghiệp. Các hợp tác xã này được hình thành từ nhu cầu thực tế của sản xuất, nhất là những vùng chuyên canh như hợp tác xã xay xát, hợp tác xã chế biến nông sản thực phẩm, hợp tác xã sản xuất thức ăn gia súc. Các hợp tác xã chế biến nông sản giúp tận dụng tối đa nguyên liệu sản xuất tại địa phương thúc đẩy các hộ nông dân phát triển vùng sản xuất chuyên canh nâng cao giá trị và hiệu quả sử dụng của các sản phẩm nông nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm và tạo tiền đề để phát triển sản xuất quy mô lớn, sản xuất tập trung, chuyên cây, chuyên con và tạo chuỗi cung ứng liên kết giữa các hợp tác xã với nhau.

Các hợp tác xã có hoạt động cung ứng, chế biến và tiêu thụ nông sản đã đáp ứng 65 – 70% nhu cầu tiêu thụ thóc giống, gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, trái cây, rau và nông sản các loại cho các thành viên hợp tác xã. Nhờ làm tốt dịch vụ này, các hợp tác xã đã giúp 64,2 % thành viên hợp tác xã, người nông dân không bị ép giá; 57,23% lượng nông sản bán ra nhanh hơn và có tới 31,77 % thành viên hợp tác xã giảm được nợ.

Tuy nhiên, khả năng của các hợp tác xã còn hạn chế, chưa mang nhiều lợi ích cho thành viên. Số các hợp tác xã có hệ thống phân phối theo chuỗi liên kết còn dàn trải. Nguyên nhân chủ yếu là các hợp tác xã chưa tiếp cận và huy động được nguồn vốn, cán bộ quản lý hợp tác xã còn yếu trong hoạch định chiến lược, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh hay tìm kiếm thị trường để phát triển. Tiến sỹ Nguyễn Thị Thúy Anh cũng đưa ra những giải pháp và định hướng để phát huy vai trò của hợp tác xã nông nghiệp trong thời gian tới thực hiện các hoạt động cung ứng, chế biến và tiêu thụ nông sản : xây dựng và hoàn thiện mô hình theo đúng chuẩn mực và quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012. Đây là tiền đề để hợp tác xã nông nghiệp phát triển bền vững trong tương lai. Để thực hiện được điều này thì yếu tố quyết định nhất đó là nguồn nhân lực quản lý hợp tác xã phải được đào tạo và đào tạo lại theo chuẩn mực; phải khắc phục hạn chế về tiếp cận và huy động vốn; tăng cường liên doanh liên kết với các tổ chức kinh tế khác, tạo chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản; thiết lập cơ chế phối hợp thực sự có hiệu quả với các cấp, ngành ở nông thôn; tăng cường vai trò tư vấn hỗ trợ của Liên minh hợp tác xã các cấp.

Đồng tình với bài phát biểu của tiến sỹ Nguyễn Thị Thúy Anh, ông Nguyễn Duy Hiếu, chủ tịch Liên minh hợp tác xã thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay các vùng sản xuất lớn, vai trò hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đã khá rõ ràng khi hợp tác xã đứng ra đại diện cho thành viên hợp tác xã thực hiện các dịch vụ đầu vào như: làm đất, tưới tiêu, cung ứng vật tư nông nghiệp, vốn…Nhưng quan trọng nhất, hợp tác xã phải là người “đứng mũi chịu sào” đại diện cho thành viên hợp tác xã ký các hợp đồng sản xuất bao tiêu với doanh nghiệp, tổ chức kiểm soát quy trình kỹ thuật theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp để nâng cao chất lượng nông sản. Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Hải Dương khẳng định dịch vụ chế biến, tiêu thụ sản phẩm đã và đang là nhu cầu cấp thiết của thành viên đối với hợp tác xã. Ở khu vực đồng bằng bắc Bộ có tới hơn 70% số hợp tác xã triển khai các dịch vụ. Tuy nhiên, các hợp tác xã nông nghiệp chỉ thực hiện ở một số hay vài sản phẩm dịch vụ vào những thời điểm nhất định phụ thuộc nhu cầu của thị trường và khả năng liên kết. Thực tế cho thấy, chỉ khi nào hợp tác xã trực tiếp ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp để làm các dịch vụ cung ứng, chế biến tiêu thụ nông sản và thực hiện chọn gói hoạt động đầu vào – đầu ra thì hợp tác xã mới mang lại nhiều lợi ích cho cho thành viên hợp tác xã và nông dân.

Đầu vào thì thành viên hợp tác xã mua chung khối lượng vật tư nông nghiệp của một doanh nghiệp, nên giá rẻ hơn so với cá nhân bên ngoài mua vật tư nông nghiệp, thường thấp hơn 10 – 15% so với giá bán ngoài thị trường. Ở đầu ra như tôm của thành viên hợp tác xã bán trực tiếp cho nhà máy chế biến được trả giá cao hơn 5% so với thị trường, cũng như lúa của bà con thành viên hợp tác xã mua bao tiêu cao hơn giá do thương lái đặt ra là 20 – 25% . Đó là lời phát biểu của ông Mai Văn Chánh – Giám đốc hợp tác xã lúa tôm Hòa Lời, tỉnh Sóc Trăng.

24.10-4

Viện Phát triển kinh tế hợp tác chụp ảnh kỷ niệm với ông Yukio Abe

Ảnh, tin bài : iCED