Viện Phát triển Kinh tế Hợp tác tham quan khảo sát các HTX Nông Thủy sản miền Tây Nam bộ

Trong khuôn khổ 02 dự án “Điều tra năng lực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và xây dựng mô hình HTX cung ứng vật tư, chế biến và tiêu thụ nông sản”  và “Điều tra năng lực sản xuất kinh doanh của các HTX thủy sản và xây dựng mô hình HTX thủy sản phát triển bền vững gắn với bảo vệ vùng  biển”, để tăng cơ sở thực tiễn hỗ trợ nội dung điều tra trong quá trình nghiên cứu xây dựng mô hình HTX nông nghiệp và thủy sản theo yêu cầu của dự án, từ ngày 15 – 26/9/2013 đoàn công tác của Viện Phát triển Kinh tế Hợp tác làm việc tại LMHTX 5 tỉnh/ thành phố: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng và Trà Vinh và được các đồng chí Chủ tịch LMHTX tỉnh/ thành phố bố trí tham quan và làm việc tại một số HTX thủy sản và nông sản. Trong số 09 HTX đoàn đến tham quan, có một số mô hình cần quan tâm như sau:

HTX Giống NN Thốt Nốt của TP. Cần Thơ thành lập năm 2008, có 19 xã viên, vốn điều lệ 500 triệu đồng, diện tích canh tác 50 ha, chuyên sản xuất và cung ứng lúa giống. Hiện tại, HTX có một máy sấy ngang công suất 50 tấn/ngày, sử dụng nguyên liệu đốt bằng than trấu. Một máy tách hạt lúa giống giúp sàng lúa cho sạch, loại bỏ lúa lép, rơm rạ, tạp chất… Công suất đạt 300 bao/ngày (1 bao 40kg). Tính đến cuối năm 2012, HTX đã nhập kho và xuất bán 620 tấn lúa giống của xã viên, lợi nhuận tăng gấp đôi so với năm 2011, thu nhập bình quân của xã viên 3 triệu đồng/tháng trở lên. Bên cạnh việc sản xuất, HTX còn ký hợp đồng, liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm.

tn1

Đoàn thăm và làm việc tại HTX Giống NN Thốt Nốt

tn2

Lò sấy sấy ngang sử dụng than trấu công suất 50 tấn/ngày của HTX Giống NN Thốt Nốt

Cùng ngày đoàn cũng đến thăm và làm việc tại HTX Nông Phát, anh Dương Văn Kiệt – Giám đốc HTX cho biết: tính đến thời điểm hiện tại HTX chưa có trụ sở chính, đất của HTX vẫn là đất của cá nhân xã viên; số lượng xã viên của HTX hiện tại là 11 hộ, với 4 nhân công thuê trực tiếp, còn lại là thuê công nhật; vấn đề giao thông (vận chuyển hàng hóa của HTX) còn rất khó khăn do trụ sở của HTX nằm xa trục giao thông chính, hệ thống giao thông đường thủy còn nhiều bất cập; nguồn tiêu thụ của HTX: trung tâm khuyến nông, các đại lý cấp I của các tỉnh như: Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, …

nphat

Đoàn tới thăm quan HTX Nông Phát

Ngày 19/8, đoàn đến khảo sát và làm việc tại HTX NN Xuân Bình và HTX NN Đức Thành của tỉnh An Giang. Hai HTX đều làm dịch vụ tưới tiêu, HTX NN Xuân Bình có 64 hộ xã viên, với tổng diện tích tưới tiêu là 202,40ha, năm 2012 tổng doanh thu tưới tiêu của HTX đạt gần 790 triệu đồng và lợi nhuận đạt gần 217 triệu đồng đã tăng cao so với cuối năm 2011. HTX NN Đức Thành có 81 hộ xã viên, với tổng diện tích đất sử dụng dịch vụ là 1500ha, hoạt động chính của HTX là dịch vụ tưới tiêu trên diện rộng, ngoài ra còn có một số dịch vụ khác như: phân bón, thuốc trừ sâu và gặt đập liên hợp. Tổng doanh thu cung cấp hàng hóa, dịch vụ (dịch vụ bơm tưới) của HTX tính đến cuối năm 2011 đạt gần 3,3 tỷ đồng tăng gần 30% so với cuối năm 2010.

HTX NN Đức Thành được tỉnh An Giang được chọn làm thí điểm cho dự án cấp 4000 m2 đất (không thu phí) để cất kho 2000 tấn. HTX dự kiến sẽ sử dụng đất này để xây dựng kho chứa thóc và lò sấy với công suất 40 tấn/1 mẻ sấy và HTX cũng dự kiến mua 10.000 m2 vuông đất xung quanh để làm mặt bằng sân phơi (dự kiến tháng 10/2013 sẽ thi công và qua vụ hè thu 2014 sẽ đi vào hoạt động).

htx-dthanh

.Đoàn làm việc với ông Lê Khánh Vân – Giám đốc HTX NN Đức Thành

Tại Kiên Giang, đoàn đến tham quan HTX NTTS Đức Trí – có 19 xã viên, vốn điều lệ 446 triệu đồng, HTX nuôi sò huyết trên diện tích mặt nước biển là 60 ha, phương thức nuôi chủ yếu là cắm cọc, sào và thu hoạch bằng cách cào sò. Ngoài ra, bà con xã viên còn nuôi thêm cá mú do khoảng thời gian trống trong thu hoạch sò là khá dài (6 tháng/1 vụ). Đời sống xã viên ngày càng nâng cao, thu nhập hàng năm đến vài trăm triệu đồng.

dtri

Nuôi sò trên biển của HTX NTTS Đức Trí

Ngày 23/9, trong chuyến đi, đoàn đã đến HTX lúa tôm Hòa Lời của tỉnh Sóc Trăng. HTX được thành lập từ năm 2009, có 12 hộ xã viên với tổng diện tích nuôi trồng là 20 ha và đây là HTX đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng được trao chứng nhận Global GAP (Thực hành nông nghiệp tốt tiêu chuẩn quốc tế). 1 năm HTX có 2 vụ đó là vụ tôm (6 tháng nước mặn và nuôi tôm sạch theo BMP), vụ lúa (6 tháng nước ngọt và sản xuất theo tiêu chuẩn Global Gap). HTX đã ký hợp đồng hợp tác với Công ty GENTRACO (thành viên Hiệp hội lương thực VN tại Cần Thơ), theo đó, công ty cam kết hỗ trợ về kỹ thuật, chỉ dẫn thực hiện để HTX lúa tôm Hòa Lời thực hiện tốt theo quy trình Global GAP và bao tiêu toàn bộ sản phẩm gạo thơm Ngọc Đồng cho xã viên HTX. Năm 2012, tổng thu của HTX về lúa là hơn 1 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận lên tới hơn 702 triệu đồng (bình quân 1 ha thu được hơn 35 triệu đồng); tổng thu về tôm được 2,4 tỷ đồng trong vụ tôm này với lợi nhuận lên tới 1,3 tỷ đồng (bình quân 1 ha thu được 65 triệu đồng).

hloi

Đoàn thăm vuông tôm của HTX Hòa Lời

Tại Sóc Trăng, mô hình HTX chăn nuôi và dịch vụ bò sữa của HTX Evergrowth là mô hình HTX tiên tiến đầu tiên ở Việt Nam (theo mô hình Canada), với 1.600 xã viên, tổng đàn bò sữa hiện nay là 3.875 con. Phương thức hoạt động của HTX là tập trung các hộ nông dân trong vùng, cung cấp bò, hỗ trợ kỹ thuật nuôi, thu mua và bảo quản để đưa sữa đến nhà máy an tòan, kịp thời. Hiện Sóc Trăng có 4 huyện tham gia chương trình nuôi bò sữa là Mỹ Xuyên, My Tú, Thanh Trị và Vĩnh Châu. Sản lượng đạt 16.245 kg/ngày. Nhờ có sự đầu tư đúng mức, lại được hỗ trợ chặt chẽ về mặt kỹ thuật, con giống nên chất lượng sữa tươi của xã viên HTX rất đảm bảo và ổn định.

Hệ thống thu mua sữa được HTX Evergrowth tổ chức theo dây chuyền khép kín với 5 điểm thu mua, trong đó có 3 điểm thu mua sữa nóng từ các hộ nông dân bán qua các điểm trung gian, đặt tại các tuyến xã Đại Tâm và huyện Mỹ Tú; ngoài ra còn có 2 điểm làm lạnh đặt tại xã Tài Văn, huyện Trần Đề. Các hộ nông dân, xã viên bán sữa qua các điểm thu mua phụ của HTX, các điểm mua phụ thu gom sữa của xã viên, nông dân đưa đến HTX. Sản phẩm sữa của HTX đều được nhà máy sữa Cô gái Hà Lan ở Bình Dương bao tiêu hết. Ông Trần Hoàng An – GĐ HTX cho biết: HTX Evergrowth quản lí rất chặt chất lượng của sản phẩm, luôn chăm lo cho các hộ xã viên nuôi bò cho tốt để chất lượng sữa tươi của mình luôn đạt chất lượng cao.

bosua1

Nơi bảo quản sữa của HTX Evergrowth

bosua2

Bình đựng sữa dùng để vận chuyển sữa từ các hộ xã viên đến điểm bảo quản

Hiện nay hoạt động của HTX Evergrowth đã đi vào ổn định, chất lượng đời sống xã viên ngày càng được nâng cao. Số hộ xã viên là người Khmer chiếm tới 98% tổng số xã viên của HTX, nhờ nuôi bò sữa bà con xã viên người Khmer đã có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo. Sau gần 10 năm đi vào hoạt động tỷ lệ hộ nghèo trong HTX đã giảm hơn 60% so với lúc mới thành lập. Tuy nhiên về lâu dài, để HTX phát triển bền vững và hiệu quả hơn, nông dân có lãi nhiều hơn, mục tiêu của Evergrowth là nâng cao giá trị gia tăng của nguyên liệu sữa thông qua chế biến, tạo thành thành phẩm hoàn chỉnh có giá trị trên thị trường như sữa thanh trùng, sữa tiệt trùng, yaourt, sinh tố… Để làm được điều này, trước tiên HTX chú trọng củng cố đàn bò, tăng cả về số lượng lẫn chất lượng, bình quân từ 5-7 con/1 hộ thay vì 2,5 con/1 hộ như hiện nay. Thông qua chọn lọc, sẽ loại thải những con giống kém chất lượng rồi sử dụng phương pháp thứ nhất là gieo tinh nhân tạo, chọn lọc những dòng tinh tốt như tinh Canada, tinh Mỹ … để nâng cao chất lượng giống. Ông An – Giám đốc HTX khẳng định: “Nếu tăng được chất lượng và số lượng đàn bò thì mục tiêu chế biến sữa thành phẩm sẽ rất dễ dàng, qua đó thu nhập của người nông dân sẽ được nâng cao lên rất nhiều, chất lượng đời sống được cải thiện”.

Tại tỉnh Trà Vinh, đoàn đến thăm HTX nuôi nghêu Thành Đạt được thành lập vào ngày 22/7/2012 với 144 hộ xã viên, hình thức ban đầu là THT. Tổng diện tích nuôi nghêu của HTX là 400 ha (khoảng 64km bờ biển), nhưng trong đó chỉ có 30 ha là nuôi được còn lại là diện tích bãi bùn không sử dụng được. Trong vụ nghêu 2012 – 2013, sản lượng nghêu của HTX đạt được là khá cao, trong 8 tháng thả nuôi đạt gần 175 tấn thu được hơn 3,2 tỷ đồng, trừ chi phí thì HTX đạt được lợi nhuận là 70%. Có được kết quả này là do ông Trần Văn Đã- Giám đốc HTX là người có nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật trong việc nuôi thả nghêu. Ông Đã cũng cho biết thêm, ông rất vui vì công việc của HTX đang làm phần nào góp phần tham gia bảo vệ an ninh bờ biển và môi trường biển ngày càng tốt hơn.

ngheutd1

Thăm bãi nghêu HTX Nuôi nghêu Thành Đạt

Cùng ngày, đoàn tham quan Hợp tác xã Thuỷ nông Định An, có trụ sở chính tại khóm 4, thị trấn Định An, hợp tác xã có 13 xã viên sáng lập, với tổng số vốn góp là 6 tỷ 340 triệu đồng, nhà làm việc, nhà kho có diện tích 250m2. Hoạt động chính của hợp tác xã là: Liên kết các hộ nuôi cá lóc, chế biến, sản xuất khô cá lóc, dịch vụ thức ăn, thuốc thú y thuỷ sản, dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cá lóc cho xã viên và nhân dân trong khu vực các xã Đại An, Định An và thị trấn Định An, Hàm Tân.

Hoạt động của HTX, các hộ xã viên được hình thành các tổ, đội sản xuất thường xuyên giữ liên lạc để hỗ trợ nhau áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản tập trung; Phối hợp với các cơ quan chuyên ngành quản lý tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về nuôi trồng thủy sản, phòng chống dịch bệnh cho Cá, sử dụng chế phẩm xử lý ao nuôi… cho xã viên và người chăn nuôi ở địa phương; Đầu tư vốn mở rộng các mô hình sản xuất, tiếp cận với con giống đặc sản chất lượng cao đảm bảo ổn định với diện tích tham gia khoảng 18 ha của xã viên; Huy động thêm các nguồn lực đầu tư cho phát triển mở rộng diện tích nuôi gắn sản xuất liên kết với thị trường; Quan tâm cung cấp thức ăn, thuốc thú y, các chế phẩm nâng cao chất lượng cá và tìm kiếm thị trường tiêu thụ; Ký kết các hợp đồng mua vật tư nông nghiệp với giá hợp lý để đầu tư cho người sản xuất.

tnongdinhan

Thăm ao nuôi cá lóc HTX Thủy nông Định An

Trong chuyến đi, Đoàn của Viện đã khảo sát thực tế và làm việc tại các HTX ở Tây Nam bộ, tìm hiểu những khó khăn, thuận lợi, nguyện vọng của các HTX, để từ đó có thể tư vấn cho các HTX những khía cạnh mà Viện nghiên cứu. Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế Hợp tác, TS. Nguyễn Thị Thúy Anh có một số gợi ý với các HTX để giúp hoạt động của các HTX đạt kết quả tốt hơn như: nên phân tích thành phần của đất, để chọn các loại phân bón phù hợp, bổ sung các chất còn thiếu, cây trồng sẽ phát triển tốt hơn. Và bên cạnh việc dùng trấu ép cho lò sấy, có thể nghĩ đến việc kết hợp sấy bằng năng lượng mặt trời, giúp giảm giá thành sản phẩm hoặc giới thiệu mô hình “con tôm ôm cây lúa” cho những HTX hiện đang nuôi tôm nhưng không trồng lúa trong khi điều kiện nuôi trồng giống như HTX Hòa Lời….

Qua khảo sát thực tế tại các địa phương, Viện Phát triển Kinh tế Hợp tác đã hiểu thêm được tình hoạt động của các HTX nông sản và thủy sản tại Tây Nam bộ, Hầu hết các HTX đoàn đến đều có trụ sở làm việc riêng, nhưng đất là thuê của Giám đốc hoặc được Nhà nước cho mượn nên các HTX còn gặp phải nhiều khó khăn về vấn đề vay vốn, thường phải thế chấp tài sản cá nhân của thành viên để vay vốn phục vụ sản xuất. Hầu hết các HTX nông nghiệp đã hỗ trợ thành viên trong khâu cung ứng vật tư (phân bón, giống, kỹ thuật, máy gặt liên hợp…); khâu chế biến nông sản chỉ dừng ở mức sấy thóc và số lượng HTX triển khai được rất ít; khâu hỗ trợ tiêu thụ cũng hạn chế, chủ yếu thành viên bán trực tiếp cho thương lái hoặc các công ty thu mua tại ruộng, số hợp tác xã trực tiếp liên hệ đầu mối tiêu thụ cho thành viên (như HTX lúa tôm Hòa Lời của tỉnh Sóc Trăng, HTX Giống NN Thốt Nốt của TP. Cần Thơ) không nhiều. Tuy nhiên, sự nỗ lực trong chỉ đạo sản xuất, kinh doanh của Ban quản trị mà nhất là của các Giám đốc, hầu hết các HTX mà đoàn đến làm việc đều có xu thế phát triển và mỗi hợp tác xã đều có đặc thù hoạt động sản xuất riêng , nếu HTX có cơ sở vật chất (kho, trụ sở, thiết bị kỹ thuật) của tập thể – đều có thể xem xét để xây dựng mô hình HTX phát triển bền vững./.

Viện Phát triển kinh tế hợp tác