Nông dân thuê HTX Đức Lân tìm thị trường

Nắm bắt được xu hướng chuyển đổi lúa thương phẩm sang lúa hàng hóa, HTX Đức Lân (Yên Phụ, Yên Phong, Bắc Ninh) từ một HTX thuần nông đã nhanh nhạy làm tốt chức năng cầu nối, hỗ trợ các thành viên xây dựng thương hiệu Nếp cái hoa vàng. Đây cũng là một trong những HTX được Liên minh HTX Việt Nam lựa chọn tham gia xây dựng mô hình chuỗi tại Bắc Ninh.

Năm 2013, HTX đã tổ chức quy hoạch vùng sản xuất lúa theo chương trình Vệ sinh an toàn thực phẩm và đạt được tiêu chuẩn theo quy định. Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 1 đã cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 50 ha lúa Nếp cái hoa vàng trên tổng diện tích 98,5 ha.

Để xây dựng mô hình thành công, Hội đồng quản trị HTX đã chủ động nghiên cứu, tìm hiểu thị trường đầu vào, đầu ra, để liên doanh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Hưởng lợi từ chuỗi giá trị

Ông Tô Như Khoa – Giám đốc HTX, cho biết sau khi đạt tiêu chuẩn VietGAP, HTX mạnh dạn tìm kiếm thị trường đầu ra tại các vùng Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.

Trong đó, công ty CP Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình là đơn vị ký hợp đồng thu mua Nếp cái hoa vàng tại đây nhiều nhất, với khoảng 200 tấn thóc tươi mỗi vụ.

Bên cạnh đó, HTX còn ký hợp đồng với các đơn vị xung quanh địa bàn, chủ động tìm kiếm thị trường tại các tỉnh Hải Phòng, Lạng Sơn…

Nhờ vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của HTX đã đạt được những kết quả nhất định, mang lại lợi ích kinh tế cao cho các thành viên HTX, tạo ra vùng liên kết sản xuất hiệu quả, bền vững.

Cụ thể, một năm HTX có 300 – 400 tấn thóc được ký hợp đồng. Bình thường, người dân bán giá 13.000 đồng/ kg thóc, từ khi chuyển qua mô hình HTX, giá bán đã tăng lên 16.000 – 17.000 đồng/kg và mức giá hiện tại bây giờ đang dao động 18.000 – 19.000 đồng/kg. “Mức giá này hầu như không tìm thấy ở các nơi khác”, ông Khoa khẳng định.

Với mô hình chuỗi giá trị thông qua HTX, người được hưởng lợi nhiều và lợi ích trực tiếp là người nông dân trồng lúa, cải thiện thu nhập ổn định và bền vững.

Ông Tô Văn Chén – người dân tham gia mô hình, nhận thấy việc sản xuất theo lịch thời vụ tập trung và quy trình khép kín giảm được đáng kể công sức và chi phí. “Trung bình, mỗi sào lúa người dân chỉ mất 600.000 – 700.000 đồng, tiết kiệm được 300.000 – 500.000 đồng so với trước đây”, ông Chén cho biết.

Để xây dựng mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp tại địa phương, HTX đặc biệt chú trọng đến vấn đề giá cả và việc tổ chức bán trên thị trường.

Trước khi vào vụ, HTX tiến hành tìm hiểu thị trường, ký kết hợp đồng với các đơn vị bao tiêu sản phẩm. Hợp đồng được xây dựng bao gồm các danh mục về sản lượng, diện tích, chất lượng, còn giá bán phải đợi đến gần thời điểm thu hoạch, dựa trên mức giá chung của thị trường để đưa ra giá chốt.

htx-duc-lan-JPG-2060-1534438598.jpg

Ông Tô Như Khoa – Giám đốc HTX Đức Lân, chia sẻ quá trình xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp

Khó khăn vẫn chưa hết

Các hợp đồng này giúp HTX tính toán diện tích gieo trồng, cân đối sản lượng thóc cung cấp cho các đơn vị thu mua.

Tuy nhiên, việc không đặt ra được mức giá ổn định là một khó khăn trong liên kết tiêu thụ sản phẩm lâu dài. Giá trị một chuỗi sản xuất có thể xây dựng được giá thành sản phẩm.

Theo cách tính của các thành viên trong Hội đồng quản trị HTX, mỗi sào Nếp cái hoa vàng cho thu nhập trung bình khoảng 3,5 triệu đồng/vụ. Trừ các chi phí sản xuất, hoàn toàn có thể tính được giá bán ở mức có lãi cho người nông dân.

Do yếu tố thất thường của thời tiết làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng khiến cho giá thành sản phẩm hạ xuống, hoặc mất mùa làm cho giá tăng lên khiến các đơn vị thu mua lo ngại.

Vì vậy, để bảo đảm được toàn bộ chuỗi cho đến khâu tiêu thụ cuối cùng, cần có hợp đồng để làm cơ sở triển khai sản xuất, tạo đầu ra cho sản phẩm.

Một bất cập khác mà HTX đang trăn trở là thiếu phương tiện sản xuất tốt. Phần lớn người dân nơi đây phải canh tác theo hình thức thủ công do thiếu máy cày. Còn máy cấy hầu như không áp dụng được, do đặc thù cây nếp cái mạ dài.

Mong muốn lớn nhất của các thành viên trong HTX là có một chiếc máy sấy để sản xuất theo chuỗi giá trị được bảo đảm, bởi thời điểm thu hoạch lúa phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết.

Lúc gặt trời mưa, lúa không phơi được sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ đầu ra. Các doanh nghiệp thu mua lúa về phải sấy trong 48 giờ mới được một mẻ, sau đó quay lại thu mua tiếp thì hết vụ. Nếu có máy sấy, nông dân sẽ yên tâm hơn do HTX có nhà kho dự trữ, việc tiêu thụ lúc nào cũng không còn là vấn đề đáng lo ngại.

Hướng phát triển của HTX trong thời gian tới được xác định là tiếp tục duy trì tốt cách làm hiện tại, đồng thời mở rộng quy mô, thu hút được thị trường rộng lớn hơn.

Để làm được điều đó, HTX đặt ra tiêu chí bảo đảm tiền lương cho những thành viên chủ chốt của HTX. Tích cực đẩy mạnh việc kêu gọi hợp đồng, đi nhiều nơi liên kết để tìm đầu ra nhằm đảm bảo thị trường. Những khó khăn HTX đang gặp phải cần được kiện toàn để phục vụ chuỗi.

Hà Xuyên – Minh Thành

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Tin liên quan