HTX Hợp Thịnh gỡ nút thắt môi trường nhờ xây dựng chuỗi giá trị

Xây dựng mô hình chăn nuôi trang trại tập trung quy mô lớn bảo đảm năng suất và hiệu quả cao, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường (BVMT) sinh thái, HTX Hợp Thịnh (Cao Lộc, Lạng Sơn) đã và đang góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho thành viên. Đây là hướng đột phá để phát triển chăn nuôi, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, làm giàu cho nông dân.

Chuyển đổi thành công theo Luật HTX 2012, HTX Hợp Thịnh đang hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi lợn nái sinh sản và trồng cây dược liệu. Mô hình của HTX đang mang lại những hiệu quả tích cực nhờ thực hiện liên kết giữa thành viên, HTX và DN.

Thành công nhờ chuỗi liên kết

Nhờ chủ động liên kết với các hộ dân trong xã, nhất là những hộ có diện tích đất canh tác lớn, đã giúp HTX có đủ diện tích phát triển sản xuất. Hiện, đàn lợn của HTX với gần 900 con nái sinh sản và gần 1.000 con lợn thịt đủ tiêu chuẩn xuất bán cho các DN chế biến.

Ý thức được vai trò của chuỗi giá trị trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, HTX không chỉ liên kết chặt chẽ với người dân mà còn liên kết với DN hình thành chuỗi liên kết khép kín từ cung cấp thức ăn, tổ chức chăn nuôi, quy trình giết mổ tập trung cho đến phân phối sản phẩm, nên đầu ra sản phẩm được bao tiêu và thu mua cao hơn giá thị trường.

Tham gia chuỗi liên kết, các thành viên được bố trí cán bộ kỹ thuật đến tham vấn về kỹ thuật nuôi, quy trình chăm sóc phù hợp; lập kế hoạch thu mua, tiêu thụ một cách hợp lý và chủ động. Đặc biệt, lợn không bị phụ thuộc vào thương lái, giá bán ổn định và thống nhất theo giá thị trường nên các thành viên yên tâm về đầu ra.

Sản xuất thuận lợi nên tính đến cuối năm 2017, doanh thu trung bình của HTX đạt 11 tỷ đồng. Thu nhập của người lao động hiện ở mức bình quân 5 triệu đồng/tháng và được HTX hỗ trợ 100% chi phí ăn ở, sinh hoạt.

Trong chăn nuôi, nếu như nhiều đơn vị gặp khó khăn về vấn đề môi trường, thì tại HTX, môi trường chăn nuôi luôn được bảo đảm. Không khí xung quanh trang trại chăn nuôi không có mùi hơi đặc trưng nhờ quy trình xử lý bài bản.

Toàn bộ phế phẩm trong chăn nuôi là phân chuồng được HTX xử lý bằng phương pháp vi sinh để trở thành phân chuồng hữu cơ cung cấp cho 40 ha cây dược liệu của chính HTX, giúp cải tạo đất, tăng năng suất, chất lượng cho cây trồng. Ngoài ra, HTX còn bán phân hữu cơ cho các hộ dân để tăng thêm lợi nhuận.

dan-lon-htx-JPG-3004-1535325768.jpg

Giám đốc Lý Bích Linh và cán bộ HTX kiểm tra đàn lợn nái sinh sản

Gỡ nút thắt môi trường

Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX – bà Lý Bích Linh, cho biết mục tiêu của HTX không chỉ dừng lại ở mức phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho các thành viên, mà còn góp phần BVMT sinh thái. Chính mô hình nuôi lợn khép kín kết hợp trồng cây dược liệu đã giúp HTX trở thành địa chỉ lý tưởng, giúp các đơn vị, người dân đến học hỏi và nâng cao kiến thức thực tế.

Đồng thời, HTX còn hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi lợn sạch đi đôi bảo đảm vệ sinh môi trường cho các thành viên nuôi vệ tinh và nhân dân trong vùng để hoàn chỉnh quy trình chăn nuôi khép kín.

Thuận lợi lớn của HTX là có cán bộ kỹ thuật của các DN chăn nuôi về hỗ trợ trong suốt quá trình hoạt động, nên việc áp dụng sản xuất theo hướng an toàn sinh học là cơ sở tốt để phòng chống được dịch bệnh và BVMT.

Hiện, HTX cũng liên kết với 1 DN ở Hà Nội bao tiêu đầu ra trong sản xuất dược liệu, đồng thời liên kết với các THT trên địa bàn tỉnh để xây dựng vùng nguyên liệu dược liệu.

Nhờ đầu tư bài bản, mỗi ha dược liệu cho năng suất 60 tấn. Với giá bán được bao tiêu, bình quân mỗi ha HTX thu về 300 triệu đồng, sau khi trừ chi phí cho lãi khoảng 150 triệu đồng.

Giám đốc Lý Bích Linh cho biết, thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục mở mở rộng quy mô chăn nuôi lên thêm 1.000 con lợn thịt và nhân rộng diện tích trồng dược liệu các loại lên trên 200 ha.

Thực hiện chăn nuôi theo chuỗi giá trị hiệu quả mang lại cho HTX không chỉ là lợi nhuận không ngừng tăng, mà từ đó cho thấy hướng đi đúng đắn của HTX trên mảnh đất miền núi với kinh tế hộ gia đình còn nhiều khó khăn như xã Hợp Thành.

Mô hình chăn nuôi khép kín, tận dụng nguồn phân để trồng cây dược liệu còn góp phần cải thiện môi trường đất nước, không khí; bảo đảm nguồn nguyên liệu sạch cung cấp cho thị trường.

Như Yến

Nguồn: thoibaokinhdoanh.vn

Tin liên quan