Thanh Hóa: Xã Ngọc Trạo đẩy mạnh phát triển kinh tế

Nông dân xã Ngọc Trạo (Thạch Thành) kiểm tra phát triển của cây ăn quả. 

Trong quá trình phát triển, xã Ngọc Trạo xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện có hiệu quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng, năng suất cao vào sản xuất. Từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn để tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng và giá trị kinh tế trên từng đơn vị diện tích. Trong đó, phải kể đến vùng sản xuất mía nguyên liệu tập trung, cũng như đã và đang hình thành vùng trồng cây ăn quả tập trung… Công tác chỉ đạo trồng, chăm sóc, thu hoạch mía nguyên liệu được xã quan tâm, tăng cường chỉ đạo thực hiện theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người trồng mía. Niên vụ 2017 – 2018, mía nguyên liệu trên địa bàn xã nhập vào Nhà máy Đường mía Việt Nam – Đài loan là 9.261 tấn. Niên vụ 2018 – 2019, toàn xã đã trồng được 162 ha mía nguyên liệu; trong đó, diện tích trồng mới 65 ha (7 ha mía thâm canh), lưu gốc 97 ha và hiện đang tập trung chăm sóc để phấn đấu tăng năng suất, sản lượng từ 15% trở lên so với niên vụ trước. Ngoài ra, xã tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá…; trong đó, chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, hướng đến quy mô lớn, bảo đảm chất lượng sản phẩm và vệ sinh môi trường. Trên địa bàn xã hiện có 5 trang trại chăn nuôi lợn và 1 trang trại chăn nuôi gà phát triển ổn định. Các trang trại chăn nuôi lợn sau khủng hoảng giá thấp hiện đang đầu tư, từng bước tái đàn; trang trại gà đã mở rộng quy mô lên 17.000 con và chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế khá. Thường xuyên làm tốt khâu tiêu độc, khử trùng, chủ động kiểm tra, phòng ngừa nên dịch bệnh không xảy ra…

Để tạo thuận lợi cho nhân dân trong quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp, xã đã chỉ đạo HTX dịch vụ nông nghiệp tập trung thực hiện có hiệu quả các khâu dịch vụ. Như cung ứng vật tư, dịch vụ nước, giải phóng đất trồng mía và ký hợp đồng vận chuyển mía nguyên liệu. HTX triển khai mô hình mía thâm canh, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất với diện tích 7 ha tại khu vực bãi nông trường theo kế hoạch của huyện và Công ty TNHH Đường mía Việt Nam – Đài Loan. Tuy nhiên, thực tế sản xuất mía nguyên liệu hiện nay trên địa bàn xã vẫn còn một số hạn chế, đó là các khâu dịch vụ phục vụ sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu của người sản xuất. Việc thanh toán tiền mía cho nhân dân còn chậm, gây ảnh hưởng không nhỏ trong việc tái đầu tư phát triển cây mía nguyên liệu. Xã đã thường xuyên chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân, hội viên sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả. 8 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị sản xuất của xã Ngọc Trạo đạt hơn 218 tỷ đồng, bằng 74% kế hoạch năm; hiện những tháng còn lại phấn đấu thu nhập bình quân đầu người tăng thêm 9,5 triệu đồng để đạt 33,6 triệu đồng/người/năm 2018.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, xã Ngọc Trạo tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Trong đó, chú trọng thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp; thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các giống cây trồng có năng suất cao, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất. Tập trung chăm sóc cây trồng, vật nuôi để bảo đảm năng suất, đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Rà soát diện tích rừng sản xuất đã đến thời kỳ thu hoạch, quản lý chặt chẽ việc khai thác theo đúng quy định, cải tạo rừng sản xuất, hướng dẫn nhân dân đưa các giống cây để trồng rừng gỗ lớn vào sản xuất. Chỉ đạo, thực hiện tốt công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, chăm sóc rừng trồng theo Dự án WB3, JICA. Tổ chức tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho nhân dân để nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại, xây dựng mới 1 trang trại. Ổn định và duy trì đàn trâu, đàn lợn và các đàn vật nuôi khác; đồng thời, tập trung phát triển đàn bò, đàn dê, đàn ong mật… Rà soát các hộ đang chăn nuôi mô hình nhỏ lẻ về gia cầm để khuyến khích, động viên nhân dân nuôi theo cách truyền thống (thả vườn, hay dưới tán rừng). Thường xuyên chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, không để dịch bệnh xảy ra. Xã tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội.

 Theo báo Thanh Hóa

Tin liên quan